Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được trình Quốc hội cho ý kiến sáng 24/10 quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình cấm sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Theo đó, để giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, tại điều 74 của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường trình xin ý kiến Quốc hội sáng nay đã đưa ra 7 điểm.
Dự thảo quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học theo quy định; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao hồ, kênh rạch, sông và đại dương.
Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cho các đơn vị có chức năng tái chế và xử lý. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và sản phẩm thay thế túi ni lông khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Các hoạt động kinh tế trên biển phát sinh chất thải nhựa phải được thu gom và đưa vào đất liền để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý, không được xả thải trên biển.
Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.
Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình cấm sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Trong khi đó, giải trình, chỉnh lý về dự thảo luật này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Liên quan đến lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường; định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này; quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường tại Điều 25 để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng thời kỳ phát triển.
Bên cạnh đó, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, theo ông Dũng tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác như tại Điều 76; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh. Về lộ trình thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.