Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm cuối tuần qua đã có chuyến thăm đầu tiên tới Catalonia kể từ khi chính quyền trung ương Madrid áp đặt quyền điều hành trực tiếp đối với khu vực này, chỉ một ngày sau khi hàng trăm nghìn người dân xứ Catalan tuần hành để yêu cầu trả tự do các lãnh đạo khu vực bị bắt giam.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tuần hành rộng rãi kêu gọi trả tự do cho các cựu lãnh đạo xứ Catalan. (Nguồn: Independent).
Ông Mariano Rajoy được cho là đến thăm thành phố Barcelona, thủ phủ của Catalonia, nhằm thể hiện sự ủng hộ của ông đối với chiến dịch tranh cử của đảng Nhân dân trước kỳ bầu cử tháng tới. Chuyến thăm của ông diễn ra 2 tuần sau khi Chính phủ sa thải Thủ hiến xứ Catalan Carles Puigdemont, chính quyền và Nghị viện khu vực, đình chỉ quyền tự trị và kêu gọi bầu cử vào ngày 21-12 tới.
Trước đó, hôm 11/11, hàng trăm nghìn người dân xứ Catalan đã tổ chức tuần hành nhằm kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo khu vực hiện đang bị bắt giam. Những người tuần hành tụ họp gần khu vực tòa nhà Nghị viện Catalonia, giơ cao biểu ngữ "Tự do".
Làn sóng tuần hành tiếp nối sau việc trả tự do cho cựu Chủ tịch Nghị viện xứ Catalan - một trong số hàng chục nhà lập pháp bị chính quyền Madrid sa thải hồi tháng trước - sau khi chi trả mức tiền bảo lãnh 175.000 USD. Nhiều trẻ em cũng được bố mẹ đưa đi tham gia tuần hành, trong khi nhiều người khác mang theo cả những bức biếm họa về các nhà lập pháp đang bị giam giữ.
Lực lượng cảnh sát thành phố Barcelona ước tính rằng đã có khoảng 750.000 người tham gia tuần hành, lấp kín 15 dãy nhà trên một tuyến đường đại lộ.
Cuộc khủng hoảng ở Catalonia đã gây ra nhiều quan ngại cho Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh khối này đang phải đối diện với sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) và tình trạng bất ổn liên quan tới số phận của khu vực trù phú gồm 7,5 triệu dân này. Hơn 2.400 doanh nghiệp đã phải di dời trụ sở của họ ra khỏi Barcelona do lo sợ ảnh hưởng của khủng hoảng.
Hôm thứ Tư tuần trước, một cuộc đình công tập thể do một liên hiệp ủng hộ độc lập ở Catalan khởi xướng đã gây nên tình trạng hỗn loạn, khiến hơn 60 tuyến phố tắc nghẽn và nhiều tuyến tàu hỏa bị ngưng trệ, chủ yếu là các tuyến đường nối Catalonia với Pháp và phần còn lại của châu Âu.
Kể từ khi giới lập pháp Catalonia - một khu vực trù phú có ngôn ngữ và văn hóa riêng biệt - tuyên bố độc lập vào ngày 27-10 vừa qua tiếp sau một cuộc trưng cầu dân ý, các lãnh đạo ủng hộ độc lập của khu vực này đã chịu sức ép vô cùng lớn từ chính quyền Madrid.
Thị trưởng của thành phố Barcelona trước đó đã lên án các hành động của chính phủ khu vực của ông Puigdemont.
"Họ đã khuấy động tình trạng căng thẳng và đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương mà phần lớn người dân không hề mong muốn" - Thị trưởng Ada Colau nói trong một cuộc họp với các thành viên trong đảng - "Họ đã lừa dối người dân phục vụ cho lợi ích của riêng họ".
Hiện đang có 8 vị quan chức trong chính quyền xứ Catalan bị bắt giam với các cáo buộc xúi giục nổi loạn, nổi loạn và sử dụng sai các nguồn công quỹ. Có 6 vị quan chức bị sa thải, trong đó có Chủ tịch Nghị viện Catalan Carme Forcadell, đã được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh.
Cựu Thủ hiến Catalan, Carles Puigdemont, hiện vẫn đang ở Bỉ, chờ đợi khả năng có thể bị dẫn độ về Tây Ban Nha sau khi Madrid đưa ra lệnh truy nã toàn châu Âu đối với ông.
Ông Puigdemont cùng 4 vị cựu Bộ trưởng xứ Catalan cho hay họ hiện đang ở Brussels, Bỉ bởi họ không thể chắc chắn rằng bản thân sẽ được tham dự một phiên xử công bằng ở Tây Ban Nha.
"Dù cho một số chúng tôi đang ở cách xa các bạn trong khi những người khác đang trong tù, chúng tôi vẫn có cơ hội để thể hiện rõ ràng rằng chúng tôi mong muốn tự do và dân chủ" - ông Puigdemont nói trên kênh truyền hình xứ Catalan.
Sự kiện tuần hành hồi cuối tuần qua được tổ chức bởi 2 nhóm vận động hành lang ủng hộ độc lập, bao gồm ANC và Omnium, những tổ chức cũng có lãnh đạo bị bắt giữ. "Chúng tôi không biết điều gì sắp xảy ra, nhưng chúng tôi biết điều chúng tôi muốn: Các cựu lãnh đạo được trả tự do", Maria Angels Quintana, một người tuần hành, nói với hãng tin AP.
Ông Puigdemont từng nói rằng ông tới Brussels sau khi tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về cách chính quyền đối xử với những người ủng hộ ly khai ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, EU, vốn đang lo sợ về việc Catalan độc lập, đã lên tiếng ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy.