Sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát điểm sạt lở tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình sạt lở ở Tiền Giang. Ảnh: VGP.
Đây là một trong những “điểm nóng” về sạt lở của tỉnh Tiền Giang. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 81 điểm sạt lở có tổng chiều dài gần 4.100 m.
Nói chuyện với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng yêu cầu có các giải pháp xử lý đồng bộ, cả giải pháp công trình và phi công trình, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Phải phối hợp việc trồng rừng, làm đê mềm cũng như làm đê cứng ở một số đoạn.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã thăm hỏi, tặng quà cho gia đình ông Trương Văn Xang, hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi sạt lở.
Thủ tướng thăm hỏi, tặng quà cho gia đình ông Trương Văn Xang, hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Ảnh: VGP.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn cùng 4 bộ liên quan đi kiểm tra khắc phục sạt lở và ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau khi hàng loạt địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp, tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực bị sạt lở.
Thời gian qua, sạt lở đã đe dọa nghiêm trọng sự sinh tồn của ĐBSCL. Mỗi năm, vùng này mất từ 300 đến 500 ha đất vì sạt lở, khiến hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. ĐBSCL đang đứng trước những thách thức to lớn.
Chỉ riêng trong năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch để các địa phương xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Chiều nay, Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở.