Nếu trước đây chúng ta xác định Tây Nguyên cần “ổn định để phát triển” thì nay ưu tiên cho phát triển để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy đối ngoại...
Sáng 1/7, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị Quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002, Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm ANQP vùng Tây Nguyên. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các Viện nghiên cứu chính sách, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên.
Báo cáo đề dẫn hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH vùng Tây Nguyên thời gian qua đạt kết quả khá toàn diện: Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.
Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn (cà phê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy…), nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2002-2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 2 lần, từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 2,47 tỷ USD năm 2020. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ. Các di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Làm tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đấu tranh xóa bỏ tổ chức và lực lượng của Fulro, “Tin lành Đê ga” và các loại tà đạo được đẩy mạnh.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản giải quyết tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò già làng, người có uy tín, khối Đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như: Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2011-2020 so với cả giai đoạn 2002-2020 (bình quân 6,3% so với 7,89%); quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.
Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc có xu hướng gia tăng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao (tỷ lệ hộ nghèo xếp 5/6 vùng).
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chuẩn bị tốt nội dung, chương trình Hội nghị, các báo cáo, tham luận sâu sắc, thẳng thắn, khách quan, tâm huyết, trách nhiệm, có tính xây dựng, khoa học và giàu tính thực tiễn, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW.
Thủ tướng nêu rõ, việc tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua và xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu Báo cáo tổng kết phải bám sát nội dung và cấu trúc của Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, bám sát tình hình thực tiễn, qua đó phải nêu bật, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; xác định rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực nêu tại Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị.
Thủ tướng yêu cầu cần bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 5 tỉnh trong vùng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm phát triển đất nước, bám sát thực tiễn để xây dựng báo cáo tổng kết, góp phần quan trọng xác định mục tiêu tổng quát, cụ thể, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới cho vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng nêu một số bài học kinh nghiệm quan trọng như cần nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với cả nước ở tất cả các cấp, các ngành; phát triển vùng Tây Nguyên phải tập trung và kết hợp giải quyết đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; gắn phát triển kinh tế với chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; khơi dậy niềm tự hào, biến giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tự lực, tự cường, đoàn kết thành động lực phát triển; phải có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phát triển, nhất là hợp tác công tư, nguồn lực xã hội và đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Nếu trước đây chúng ta xác định Tây Nguyên cần “ổn định để phát triển” thì nay ưu tiên cho phát triển để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy đối ngoại...
Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ cũng đã đến thăm, kiểm tra công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và thăm, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng; khảo sát đoạn tuyến giao thông cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột và Đại lộ Đông Tây.