Mới đó mà đã hơn 8 năm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi xa. Không thể đếm nổi đã có bao nhiêu bài báo, cả báo giấy và báo mạng, bao nhiêu quyển sách, cuốn phim, bức ảnh... của nhiều nhà báo, nhà văn, của những cán bộ giúp việc và cả của người dân, những người chưa từng gặp Thủ tướng viết về ông đầy xúc động. Đối với tôi, ông là vị Thủ tướng mà tôi từng có thời gian được phục vụ trong lĩnh vực thông tin báo chí, người đã để lại trong tôi sự kính trọng sâu sắc và tình cảm yêu mến thật khó diễn tả. Ông chí
Đầu năm 1993, khi tôi đang là Phó Tổng Biên tập báo Tuần Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam thường trực tại TP Hồ Chí Minh, thì nhận được quyết định điều động lên Văn phòng Chính phủ, công tác tại Vụ Tổng hợp, chuyên về lĩnh vực thông tin báo chí, lĩnh vực mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang cần người giúp việc.
Một trong những công việc đầu tiên tôi được Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ giao, là theo dõi thông tin trên các báo, làm Điểm báo hàng ngày trình Thủ tướng. Ngày 13/4/1993, sau khi đọc tờ Điểm báo đầu tiên, lúc đó còn viết tay, của tôi trình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi bên lề tờ Điểm báo, sau này gặp tôi còn căn dặn thêm là không cần viết dài, chỉ cần tóm tắt lại những bài báo đáng chú ý, nhất là những bài báo nêu những vấn đề nổi cộm có liên quan trực tiếp đến công việc chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng…
Từ đó, không ngày nào Thủ tướng không đọc tờ Điểm báo trình Thủ tướng, thường xuyên ghi ý kiến đối với những bài báo mà Thủ tướng quan tâm. Không chỉ một lần mà nhiều lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá báo chí là kênh thông tin quan trọng góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng. Nhiều thông tin từ báo chí phản ánh, nhất là các thông tin trong lĩnh vực đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, được Thủ tướng giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét, xử lý. Một số thông tin và phát hiện của báo chí trong các lĩnh vực hoạt động quản lý hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội và nhiều lĩnh vực khác, như việc “ngăn sông cấm chợ” tái diễn ở một số địa phương, việc giao đất, giao rừng tràn lan, vấn đề kinh tế trang trại, tai nạn giao thông, buôn lậu qua biên giới…, đã được Thủ tướng giao cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết; một số thông tin và phát hiện ban đầu từ báo chí sau này đã thành chủ trương, chính sách mới của Chính phủ.
Thành công của việc thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm đốt pháo, lập lại trật tự xây dựng trên tuyến đê Yên Phụ, Hà Nội, việc đóng cửa rừng, bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, sống chung với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, việc cố gắng làm giảm tình trạng tai nạn giao thông và nhiều việc khác có phần đóng góp đáng kể của báo chí, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ đó đến nay, Điểm báo hàng ngày đã trở thành một công việc được ghi vào Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt và sau này, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi trọng và báo chí thực sự trở thành một kênh thông tin không thể thiếu trong việc giúp Thủ tướng điều hành công việc của Chính phủ.
Không chỉ coi trọng thông tin do báo chí phản ánh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức coi trọng việc mở rộng cung cấp thông tin về hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước cho báo chí, hết sức cởi mở trong quan hệ với báo chí. Ông không chấp nhận tình trạng bí mật thông tin tràn lan, nhiều việc cần thông tin công khai cũng vẫn giữ bí mật, kiểu "bên kia bức màn sắt" của thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Ông coi việc mở rộng cung cấp thông tin cho báo chí và qua báo chí đến với công chúng là việc làm thiết thân của Chính phủ, góp phần để "dân biết, dân bàn, đân làm, dân kiểm tra" công việc của Chính phủ. Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng, việc họp báo của Văn phòng Chính phủ sau mỗi phiên họp thường kỳ của Chính phủ và sau nhiều phiên họp của Thường trực Chính phủ, hoặc mỗi khi có sự kiện quan trọng, đột xuất, đã được tiến hành thường xuyên, không chỉ ở Hà Nội cho các báo phía Bắc mà còn cả ở TP Hồ Chí Minh cho các báo phía Nam, và đều do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì; nhiều cuộc họp báo đích thân Thủ tướng tới dự.
Tháng 4/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định thành lập Vụ Thông tin Báo chí trực thuộc Văn phòng Chính phủ để tăng cường hơn nữa công việc giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực quan hệ với báo chí và mở rộng thông tin cho báo chí. Trên cương vị mới, là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ, tôi được tiếp cận nhiều hơn với những vấn đề Thủ tướng quan tâm đối với báo chí -“chiếc cầu nối” nối liền thông tin chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ đến dân và thông tin từ dân đến Chính phủ; đồng thời hiểu hơn cách làm việc và cung cách ứng xử của Thủ tướng đối với báo chí và nhà báo.
Có thể nói Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh lúc đó đã làm thay đổi cung cách tiếp nhận thông tin từ báo chí và cung cấp thông tin cho báo chí, cởi mở, chu đáo, tạo sinh khí mới cho lĩnh vực hoạt động nhạy cảm này, góp phần làm cho quan hệ giữa Chính phủ và nhân dân gần gũi hơn. Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều đổi mới mang tính đột phá trong quan hệ của Chính phủ với báo chí và báo chí với Chính phủ. Ý tưởng về Người phát ngôn trong các cơ quan Chính phủ, việc xây dựng Trang thông tin của Chính phủ, sau này là Trang Thông tin điện tử của Chính phủ rồi phát triển thành Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ như hiện nay là từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng yêu cầu trước khi ban hành các quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, “Người phát ngôn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” phải họp báo và trả lời các câu hỏi báo chí nêu ra, kể cả đối với những vấn đề “nhạy cảm”, đang còn có ý kiến khác nhau. Ông muốn những thông tin về hoạt động của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ phải đến với nhân dân “một cách thực chất” nhất!
Và cũng phải đến nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì mới hình thành ý tưởng xuất bản cuốn sách Tư liệu đầu tiên về Chính phủ Việt Nam, sau này cuốn sách đã được Văn phòng Chính phủ và Thông tấn xã Việt Nam xuất bản, tái bản nhiều lần, được dịch sang cả tiếng Anh dành cho người nước ngoài.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là vị Thủ tướng đầu tiên có cách làm khác trước, là thay cho việc chỉ công bố trên báo chí, đã xuống tận Đài Truyền hình Việt Nam để xuất hiện trước ống kính phóng viên phát đi Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về sự kiện bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ trong năm 1995. Cũng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngoài việc tiếp và trả lời trực tiếp phỏng vấn của báo chí trong nước, Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp, trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài và ông là vị Thủ tướng đầu tiên đã giao cho Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo dành riêng cho phóng viên báo chí nước ngoài thường trú ở Việt Nam, do đích thân ông chủ trì, điều trước đây chưa từng có.
Là người hiểu sâu sắc công việc của báo chí, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn có thái độ rõ ràng, “sòng phẳng”, nhưng đầy tình người trước những ưu điểm và khuyết điểm của báo chí và của nhà báo. Năm 1996, khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình “SV. 96”, tạo một sân chơi mới, bổ ích và hấp dẫn cho học sinh, sinh viên, Thủ tướng hết sức khen ngợi. Thủ tướng giao cho tôi gặp anh Trần Bình Minh, khi đó là Trưởng ban của Đài Truyền hình Việt Nam, trực tiếp phụ trách chương trình và anh Lại Văn Sâm, người dẫn chương trình “SV. 96” để thông báo ý kiến khen ngợi của Thủ tướng và phần thưởng 100.000.000 đồng (một trăm triệu) của Thủ tướng dành cho chương trình này. Nhận được thư của anh Phong Doanh, Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và phụ trương Hoa học trò gửi Thủ tướng báo cáo kết quả cuộc thi “Bút mới” do Báo tổ chức, Thủ tướng đã cho mời các cháu được giải trong cuộc thi và một số cháu là cộng tác viên của Báo, lên Văn phòng Chính phủ để Thủ tướng gặp, động viên các cháu. Gần hai tiếng đồng hồ Thủ tướng nghe tâm tình của các cháu, trò chuyện với các cháu thân tình như người ông trong gia đình về tình hình đất nước, về công cuộc đổi mới đang mở ra tương lai tươi sáng cho các cháu… Thủ tướng mong Báo Thiếu niên Tiền phong và phụ trương Hoa học trò tiếp tục có những cuộc thi mới, bổ ích, tạo “sân chơi tập thể và trí tuệ” cho các cháu, từ đó phát hiện những tài năng trẻ cho đất nước.
Không chỉ một lần mà nhiều lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá báo chí là kênh thông tin quan trọng góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng. |
Coi trọng báo chí, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt không đồng tình trước thái độ của một số người đề cao quá mức vai trò của báo chí, thậm chí coi báo chí như là một thứ quyền lực đứng ngoài cả pháp luật. Thủ tướng có thái độ dứt khoát trong xử lý việc báo chí thông tin sai sự thật nhưng lại không đính chính, không nhận lỗi. Thủ tướng không đồng tình trước ý kiến cho rằng đối xử với báo chí phải có “ngoại lệ”, kể cả khi báo chí vi phạm pháp luật. Không ít các vụ việc xử lý sai phạm của báo chí do đích thân Thủ tướng cho ý kiến và việc xử lý đã giúp cho nhiều tờ báo, nhiều nhà báo thấy được sai lầm, khuyết điểm của mình, thông tin đúng hơn, có trách nhiệm hơn đối với bạn đọc. Điều đặc biệt, thái độ nghiêm khắc đó của Thủ tướng bao giờ cũng xuất phát từ tấm lòng bao dung của ông khi xem xét, xử lý từng vấn đề cụ thể mà báo chí vi phạm.
Tôi không thể quên, ngày 14/12/1993, một tờ báo có uy tín, có rất nhiều bạn đọc, đã đăng trên trang nhất bài báo “Ông già 90 tuổi và 300 lá đơn kêu cứu”, kèm ảnh ông già “gần đất xa trời” nằm bên cạnh bức vách trong căn nhà trống dán đầy đơn, của phóng viên M.D rất nổi tiếng về các bài báo chống tiêu cực lúc đó. Bài báo phản ánh việc ông Trần Đức ở xã Bình Trị Đông, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh suốt 14 năm đã viết hơn 300 lá đơn, đi hàng nghìn cây số từ thành phố ra trung ương để khiếu nại việc các cơ quan có trách nhiệm không chịu xem xét để trả lại cho ông 357 lạng vàng 24k mà ngày 14/4/1978 ông gửi vào ngân hàng, bất chấp cả các ý kiến của nhiều vị lãnh đạo đề nghị xem xét, giải quyết.
Ngay trong buổi sáng bài báo này được đăng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi tôi lên phòng làm việc của ông. Ông rất bức xúc và không những ông mà Cố vấn Phạm Văn Đồng cũng rất bức xúc trước những thông tin mà bài báo nêu ra. Cố vấn Phạm Văn Đồng đã cho trợ lý sang gặp trực tiếp Thủ tướng, yêu cầu Thủ tướng đích thân giải quyết việc này. Tôi nhớ mãi câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi giao cho tôi xuống gặp Tổng Biên tập tờ báo và nhà báo viết bài để lấy thêm tài liệu, đồng thời nắm thông tin từ các cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc này, báo cáo Thủ tướng: "Dù có nghèo đến đâu cũng không được hành xử với dân như vậy! Người ta có tin chính quyền mới gửi vàng vào Ngân hàng, sao nay người ta cần thì lại không trả?".
Tôi báo cáo Thủ tướng rằng khi còn làm Phó Tổng Biên tập báo Tuần tin tức thường trực tại TP Hồ Chí Minh tôi đã cho đăng bài viết có nội dung đúng như trong bài báo này, sau đó được các cơ quan có trách nhiệm cho biết bài viết không đúng sự thật. Người viết đã bỏ qua các kết luận xử lý của các cơ quan nhà nước đối với vụ việc, chỉ đưa những thông tin một chiều, cố tình che lấp bản chất sự việc. Nghe xong, Thủ tướng nói tôi xuống làm việc ngay với báo để có thêm thông tin báo cáo Thủ tướng.
Thực chất ông Trần Đức không có số vàng nói trên, mà chỉ là người giữ hộ cho một nhà tư sản người Hoa “chạy” cải tạo. Ông cố tình cất giấu, không khai báo, nên khi các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản thu giữ đã gửi số vàng đó vào ngân hàng. Người đứng tên ông Trần Đức gửi đơn đòi số vàng này là một kẻ xấu, nhận làm con nuôi ông, hy vọng nếu đòi lại được vàng thì y sẽ được chia phần lớn số vàng như y đã “mặc cả” với ông trước đó.
Sau khi biết rõ sự việc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho tôi gặp lại Tổng Biên tập và nhà báo M.D, yêu cầu có bài đính chính. Theo đề nghị của nhà báo M.D, Thủ tướng đồng ý cho nhà báo này gặp để “trình bày” về bài viết của mình với Thủ tướng. Thủ tướng nhắc Văn phòng Chính phủ tạo điều kiện cho nhà báo này đến dự buổi gặp ông Trần Đức tại Trụ sở tiếp dân tại TP Hồ Chí Minh để công bố quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước giải quyết vụ việc khiếu nại của ông. Sau đó, nhà báo M.D đã viết một bài báo tường thuật cuộc gặp của các cơ quan nhà nước với ông Trần Đức, thông qua bài báo này đính chính về bài báo viết sai sự thật của mình trước đây. Thái độ xử lý trước một vấn đề báo chí thông tin sai đầy lòng nhân hậu ấy của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khiến tôi và nhiều nhà báo biết rõ chuyện này thật xúc động và không bao giờ quên!
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người rất hóm hỉnh, cởi mở và gần gũi với giới nhà văn, nhà báo. Đối với ông, những người cầm bút là những người rất nhạy cảm, như “những chiếc ăng-ten” tiếp nhận sóng thông tin nhiều chiều trong xã hội. Ông thường có những bữa “nhậu lai rai” với các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ quen biết, ở TP. Hồ Chí Minh khi ông còn là Chủ tịch rồi Bí thư Thành uỷ, cũng như sau này, ở Hà Nội khi ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Thủ tướng Chính phủ, để lắng nghe từ “những chiếc ăng-ten” này những thông tin, nhiều khi trái chiều, mà ông nhận xét là “rất đau, nhưng rất có ích” đối với công việc chỉ đạo, điều hành của ông.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt chịu nhiều mất mát to lớn, vợ và hai con ông bị bom Mỹ chết trên sông Sài Gòn năm 1966, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; người con trai đầu là liệt sĩ, hy sinh ngay trên chiến trường mà ông là người lãnh đạo và chỉ huy cao nhất trong chiến tranh. Nhưng ông rất ít khi nói đến điều đó mà thường quan tâm đến số phận của nhiều người khác, trong đó có những người “không may mắn”!
Ông từng gạch đậm bên lề một tờ Điểm báo trình ông về một bài báo của nhà báo Thái Duy, rồi ghi hai chữ “Rất đúng!” trước đề nghị của nhà báo là nên có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, “người có công lớn đối với bà con nông dân” (sau này ông Kim Ngọc đã được tặng thưởng Huân Chương Hồ Chí Minh). Sau khi nhận được thư của ông Lê Văn Bổng, con trai nhà văn Lê Văn Trương, người viết tiểu thuyết kiếm hiệp, kiểu “người hùng” nổi tiếng trước đây, đề nghị Thủ tướng can thiệp trong việc đòi tác quyền của cha mình khi in sách của nhà văn ở nước ngoài, Thủ tướng đã giao cho tôi đến gặp ông Bổng tại nhà riêng để hỏi thêm sự việc và yêu cầu cơ quan có trách nhiệm trả lời ông Bổng về việc này! Thủ tướng hóm hỉnh kể chuyện tiếu lâm, đọc cho một số cán bộ tháp tùng Thủ tướng trong một chuyến đi công tác nghe bốn câu thơ “kiểu Bút Tre” do nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng làm.
Đó là năm 1971, ông cùng ông Võ Thuần Nho, em trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và ông Trần Bạch Đằng, cùng nhau sang Đông Đức chữa bệnh. Trước khi đi, cả ba ông đều được nhận các bộ quần áo com-lê do Bộ Tài chính cấp phát. Trên máy bay, ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Bạch Đằng mặc quần áo “cọc cạch”, không đồng bộ, riêng ông Võ Thuần Nho mặc nguyên cả bộ, “rộng thùng thình”. Nhìn thấy vậy, ông Trần Bạch Đằng ứng khẩu đọc bốn câu thơ “kiểu Bút Tre”: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/Giáp ta thắng trận Điện Biên oai hùng/Hoan hô Thứ trưởng Võ Thuần/Nho đi Đông Đức mặc quần…Tài chinh (chính)!”. Thủ tướng kể rằng, những năm chiến tranh, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam thuộc thơ Bút Tre vì những vần thơ đó đã làm cho cuộc sống vui hơn, lạc quan hơn để vượt qua gian khổ, ác liệt ở chiến trường. Ông bảo, không thấy nhà văn, nhà báo hay cơ quan nào đề nghị trao giải thưởng cho ông Bút Tre, nếu có ông sẽ là người ủng hộ. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có tấm lòng như thế!
Lần cuối cùng tôi được gặp lại Thủ tướng Võ Văn Kiệt là trong Lễ tang của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ở Nhà tang lễ 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Thủ tướng từ TP Hồ Chí Minh ra dự lễ tang, thấy tôi, Thủ tướng ân cần vỗ vai hỏi thăm sức khỏe và công việc của tôi. Thế mà cũng đã 15 năm qua!
Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi đã được hơn 8 năm, nhưng hình ảnh gần gũi, giản dị, thân thương của “ông Sáu Dân”, “chú Sáu Dân”, “anh Sáu Dân” - người Thủ tướng gần dân ấy, còn mãi trong lòng những người cầm bút như tôi.
Coi trọng báo chí, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt không đồng tình trước thái độ của một số người đề cao quá mức vai trò của báo chí, thậm chí coi báo chí như là một thứ quyền lực đứng ngoài cả pháp luật. Thủ tướng có thái độ dứt khoát trong xử lý việc báo chí thông tin sai sự thật nhưng lại không đính chính, không nhận lỗi. Thủ tướng không đồng tình trước ý kiến cho rằng đối xử với báo chí phải có “ngoại lệ”, kể cả khi báo chí vi phạm pháp luật. |