Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Sáng 9/8, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, lần đầu tiên diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh thành và các bộ ngành liên quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của ngành du lịch cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, du lịch Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong khối các ngành dịch vụ, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những mặt còn hạn chế của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua, như ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững.
Cụ thể như việc thực hiện quản lý Nhà nước về du lịch ở một số nơi chưa nghiêm; chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế; sức cạnh tranh còn thấp,…
Do đó, Thủ tướng cho rằng, hội nghị lần này với mục đích là bàn các giải pháp, chỉ ra những bất cập để làm sao đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thủ tướng cũng bày tỏ, rất mong muốn lắng nghe đề xuất địa phương, doanh nghiệp và đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn những bất cập, tồn tại để tập trung thảo luận, tháo gỡ khó khăn và cho biết, sau buổi hội nghị này, Chính phủ sẽ tập hợp để báo cáo Bộ Chính trị để thông qua Đề án phát triển du lịch quốc gia.
Thủ tướng cũng cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phát triển ngành du lịch.
Tuy nhiên để khắc phục những hạn chế trên, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo thuận lợi cho khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là vấn đề đơn giản hóa thị thực nhập cảnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch…
Các cơ quan hữu quan cần chú trọng công tác quản lý giá cả, bảo đảm vệ sinh, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…
“Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực sự xây dựng ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Thời gian qua, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng với mức trung bình hằng năm cao hơn so với giai đoạn 2006-2010, tăng 1,57 lần.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá.