Ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh thông tin báo nêu về việc phá rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ phát đi hôm 21/9.
Tại Văn bản 10066/VPCP-NN, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh thông tin báo nêu, nếu đúng phải điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 31/10/2017.
Trước đó, Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 18/9/2017 có bài phản ánh việc rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đang bị tàn phá dữ dội.
Rừng phòng hộ bị tàn phá nặng nề, thế nhưng qua tìm hiểu cho thấy, đến nay chưa có các ngành chức năng nào vào hiện trường thống kê diện tích rừng phòng hộ nơi đây bị triệt phá.
Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết: “Phải chờ Chi cục Kiểm lâm có báo cáo cụ thể, chúng tôi sẽ xem xử lý vấn đề. Nhưng tôi cam kết, sai đến đâu thì sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm và sớm ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng không chỉ ở Tiên Lãnh mà bất cứ nơi đâu trên địa bàn Quảng Nam”.
Cho dù ông Đức khẳng định như vậy, nhưng thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu rừng phòng hộ bị tàn phá.
Rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh bị tàn phá.
Đại Đoàn Kết đã liên tục có nhiều bài viết phản ánh tình trạng phá rừng ở Quảng Nam như các vụ phá rừng ở các rừng phòng hộ như Phú Ninh, Sông Tranh 2, Sông Thanh cùng với đó là những vụ phát hiện, bắt giữ gỗ lậu. Có những vụ việc đã khởi tố vụ án phá rừng, nhưng sau đó chẳng thấy bị can nào bị khởi tố.
Còn đối với vụ phá rừng lần này, người dân địa phương cho rằng, tổng diện tích rừng ở khu vực này đã bị xóa sổ trên 300ha. Trong đó, chỉ riêng ở tiểu khu 556, rừng gần như đã bị xóa sổ, ước tính hơn 100ha bị triệt hạ.
Trước sự việc nghiêm trọng, ông Lê Văn Sơn, Bí thư xã Tiên Lãnh xác nhận, việc người dân phá rừng phòng hộ lấy đất trồng keo diễn ra từ lâu và việc phá rừng ở đây rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên bị phá chính quyền chưa xác định bao nhiêu, con số thống kê chỉ dựa trên những vụ phá rừng đã bị kiểm tra, xử lý.
Ông Sơn cho biết, địa bàn thì quá rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng, nguồn kinh phí cho công tác tuần tra kiểm soát hạn chế nên không quản lý hết được…
Cũng theo ông Sơn, có nhiều vụ phá rừng phát hiện và bàn giao cho kiểm lâm xử lý, tuy nhiên chế tài xử phạt nhẹ, không đủ răn đe.
Cụ thể như vào tháng 3/2016, chính quyền phát hiện ông Đinh Văn Hiếu, trú xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước thuê 3 người đốn hạ hơn 1 hecta rừng phòng hộ và đang chuẩn bị chặt phá 3,5 hecta tại khoảnh 6, tiểu khu 577. Thế nhưng sau đó, ông Hiếu chỉ bị kiểm lâm xử phạt 750 ngàn đồng. "Chúng tôi đã đã nhiều lần yêu cầu cấp trên tăng cường lực lượng cho địa phương để bảo vệ rừng, tuy nhiên đến nay chưa được như ý”.
Càng đáng nói hơn, khi ông Bùi Văn Tưởng - trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam cho rằng, thông tin hàng trăm hecta rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị phá thì ông chưa nắm rõ, sẽ cho kiểm tra và thông tin lại sau.
Ông Tưởng cũng cho biết: “Ngày 17/8 vừa qua, lực lượng kiểm lâm tổ chức truy quét bắt được 7 người đồng bào Ca Dong trú huyện Bắc Trà My đang phá rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 556. Qua kiểm đếm có 7ha rừng bị phá. Những người phá rừng khai nhận họ đi làm thuê cho một người ở xã Tiên Lãnh. Sắp tới CQĐT sẽ lên khám nghiệm hiện trường để có hướng xử lý”.
Ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản số 5009/UBND-KTN, về việc khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc Báo phản ánh. Theo đó, giao giám đốc Sở NNPTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra tình hình thực tế để làm rõ vụ việc các Báo đã nêu; báo cáo toàn bộ vụ việc về UBND tỉnh trước ngày 25/9/2017.