Từ 1/1/2016, chế định Thừa phát lại (TPL) sẽ chính thức được thực hiện trong phạm vi cả nước sau giai đoạn thí điểm theo Nghị quyết về thực hiện chế định TPL của Quốc hội. Các Văn phòng TPL tại TP HCM đang rất chờ đợi thời khắc được xóa bỏ thí điểm và chuyển sang hành nghề chính thức.
Các thư ký thực hiện tống đạt văn bản đến một địa chỉ tống đạt tại Q.10 TP HCM.
Hiện nay, TP HCM có 11 Văn phòng TPL đang hoạt động, với tổng số 46 TPL hành nghề, 76 thư ký nghiệp vụ và 75 nhân viên. Trong số 11 văn phòng thì có 7 văn phòng đang hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và 4 văn phòng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Qua 5 năm thực hiện thí điểm, cho đến nay hầu hết các văn phòng đều hoạt động hiệu quả với số lượng cũng như doanh thu từ tống đạt đã có sự gia tăng đáng kể theo từng năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Pháp- Trưởng Văn phòng TPL Q.Thủ Đức cho rằng, kết quả đã đạt được của các Văn phòng TPL tại TP HCM cho thấy hiệu quả thiết thực của chế định này. Những kết quả hoạt động của các tổ chức TPL đã cho thấy cơ sở thực tiễn rất cần thiết để mô hình tổ chức này được chính thức hoạt động.
Tuy nhiên, từ kết quả hoạt động của Văn phòng TPL Q.Thủ Đức kể từ khi thành lập (2013) đến nay, ông Pháp cho rằng, vẫn còn những vướng mắc, khó khăn đối với chế định này, cần được các cơ quan chức năng liên quan phối hợp, hỗ trợ. Trong đó, ông Pháp cho rằng, công tác tuyên truyền của ngành Tòa án nếu có sự phối hợp tốt với TPL thì đây sẽ là một kênh thông tin vô cùng quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án: “Chúng tôi có đề xuất nhiều lần việc ghi rõ trong Bản án/Quyết định của Tòa án nội dung: Bản án/Quyết định này có thể được thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Văn phòng TPL. Việc này cũng phù hợp với trách nhiệm của Tòa án trong việc hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự cho đương sự theo Điều 26 Luật Thi hành án dân sự”.
Cũng theo ông Pháp, TPL là một chế định mới, người dân chưa biết nhiều về thẩm quyền thi hành án của TPL, vì vậy việc ghi nhận cụ thể trong bản án rằng người dân có quyền yêu cầu Văn phòng TPL (cụ thể) tổ chức thi hành án là điều cần thiết.
Thời gian qua, UBND TP HCM cũng có chỉ đạo để các Văn phòng TPL trên địa bàn chủ động hơn trong việc chọn lọc cung cấp thông tin về những hoạt động hiệu quả của TPL đến các cơ quan truyền thông để phối hợp đưa tin tuyên truyền. Cụ thể, cần thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp trên truyền hình, đài phát thanh; Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tư vấn trực tuyến trên báo; Đưa tin về những thành tựu, kết quả cũng như những khó khăn của TPL để thông tin kịp thời đến người dân.
UBND TP HCM cũng đã thành lập riêng một Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP để hỗ trợ các hoạt động truyền thông về TPL.
Theo ông Trần Văn Bảy- Phó GĐ Sở Tư pháp TP HCM, thời gian qua các văn phòng TPL trên địa bàn thành phố đã tổ chức công tác tuyên truyền tích cực để tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng đắn trong nhân dân về chế định này. Trong đó, thành phố đã cung cấp rộng rãi các thông tin về tổ chức và hoạt động của TPL để các cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố biết và sử dụng các dịch vụ do TPL cung cấp. Theo ông Bảy, đây cũng chính là việc cần thiết để mỗi người dân chủ động thu thập chứng cứ chứng minh nhằm tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo đảm an toàn trật tự xã hội.
Ông Lê Mạnh Hùng- Trưởng Văn phòng TPL Q.Bình Thạnh góp ý, cùng với việc bỏ thí điểm TPL để chính thức công nhận chế định này trên cả nước thì cũng cần hoàn thiện các hệ thống pháp luật liên quan đến các chức năng của TPL. Đặc biệt là trong lĩnh vực tống đạt đang có nhiều vướng mắc.
Ông Hùng đề nghị cần bổ sung vào Luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự và các luật khác liên quan đến việc cấp, phát, tống đạt văn bản tố tụng thẩm quyền và trình tự tống đạt của TPL theo hướng đơn giản, giảm thiểu việc sử dụng con dấu của chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm của Văn phòng TPL.
Tiếp đó, kiến nghị Tòa án cần có hướng dẫn thống nhất thực hiện các biểu mẫu tống đạt, và tính hợp lệ của văn bản tống đạt trong các trường hợp phổ biến. Cuối cùng là kiến nghị tăng mức phí tống đạt theo mức giá trần của Thông tư liên tịch. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung kinh phí tống đạt cho một số Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự hiện nay đã dùng hết kinh phí.
Đối với lĩnh vực lập vi bằng, được coi là thế mạnh của TPL, ông Lê Mạnh Hùng đề nghị cần rà soát, sửa đổi, thay thế, hợp nhất các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc lập vi bằng theo hướng chỉ quy định về những vấn đề nguyên tắc khi lập vi bằng, không can thiệp quá sâu vào kỹ năng, nghiệp vụ lập vi bằng của TPL, đặc biệt là không tự đặt thêm thủ tục cho TPL khi lập vi bằng, đăng ký vi bằng cũng như giới hạn thẩm quyền lập vi bằng.
Theo ý kiến của nhiều Văn phòng TPL tại TP HCM, các cấp có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung các Nghị định 61, Nghị định 135 theo hướng quy định việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp TP là nhằm mục đích xác nhận việc TPL có lập vi bằng trong thực tế. Nội dung của vi bằng và những vấn đề liên quan khác sẽ do TPL chịu trách nhiệm nhằm nâng cao tính độc lập, trách nhiệm cá nhân của TPL.
Đáng lưu ý là cần bổ sung vào Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự… và các ngành luật khác giá trị chứng cứ của vi bằng, đảm bảo việc mở rộng phạm vi lập vi bằng trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam.
Trước khi các văn phòng TPL đi vào hoạt động chính thức vào năm 2016, UBND TP HCM cho biết, sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế; kịp thời tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong phạm vi quyền hạn của mình để thực hiện có hiệu quả chế định TPL tại TP HCM.
Theo ông Lê Mạnh Hùng- Trưởng Văn phòng TPL Q.Bình Thạnh: cùng với việc bỏ thí điểm TPL để chính thức công nhận chế định này, cần bổ sung vào Luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự và các luật khác liên quan đến việc cấp, phát, tống đạt văn bản tố tụng thẩm quyền và trình tự tống đạt của TPL theo hướng đơn giản, giảm thiểu việc sử dụng con dấu của chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm của Văn phòng TPL. Tòa án cần có hướng dẫn thống nhất thực hiện các biểu mẫu tống đạt, và tính hợp lệ của văn bản tống đạt trong các trường hợp phổ biến và tăng mức phí tống đạt theo mức giá trần của Thông tư liên tịch. |