Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, tuy hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch nhưng công tác phòng chống không được chủ quan, lơ là.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi lúc 3h sáng. Ảnh: Thuathienhue.gov.vn
Rạng sáng 7/3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã có chuyến kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại một số điểm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Kiểm tra đột xuất chốt Kiểm dịch động vật trên QL1A thuộc địa phận xã Phong Thu, huyện Phong Điền lúc 3h30 sáng, ông Phan Ngọc Thọ biểu dương cán bộ nhân viên tại chốt đã làm tốt công tác kiểm tra, phun thuốc, tiêu độc khử trùng các xe lợn, động vật lưu thông qua đây.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu các lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch cần có quy trình xử lý thật chặt chẽ để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gây ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh; đề nghị lực lượng thú y, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông cần phối hợp để tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm và kịp thời các phương tiện cố tình không chấp hành công tác kiểm dịch.
Sau khi kiểm tra đột xuất tại chốt kiểm dịch động vật xã Phong Thu, vào lúc 4h30 sáng, ông Phan Ngọc Thọ đã đến kiểm tra lò mổ gia súc tại chợ đầu mối Phú Hậu (thành phố Huế), đây là một trong những điểm giết mổ gia súc lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Ông Thọ đề nghị đội ngũ cán bộ thú y cần thường xuyên kiểm tra, giám sát,thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ, đảm bảo gia súc đưa vào cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ và ghi chép đầy đủ thông tin gia súc trước khi đưa vào cơ sở; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tuy hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch nhưng công tác phòng chống dịch không được chủ quan, lơ là. Các ngành chức năng cần tăng cường quản lý kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bị dịch bệnh, nhập lậu, không đảm bảo hồ sơ theo quy định.
Thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các dấu hiệu nhận biết lợn nghi mắc bệnh; người chăn nuôi chỉ mua lợn giống từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng sản phẩm từ lợn đã được kiểm soát của thú y.
Được biết, để chủ động phòng lây lan dịch tả lợn châu Phi, trước đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Đồng thời, yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.