Thừa Thiên - Huế: Gỗ lớn trong rừng phòng hộ bị đốn hạ

Nhóm PV 19/07/2022 10:21

Chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 2 km, khu vực rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hàng loạt cây gỗ lớn đã bị “lâm tặc” đốn hạ không thương tiếc. Mùn cưa sót lại trên mỗi gốc cây còn mới nguyên, cành cây, bìa gỗ sót lại nằm ngổn ngang...

Gian nan việc tiếp cận hiện trường

Thời gian gần đây, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh của người dân xã Bình Tiến (xã Hồng Tiến cũ, nay đã được sáp nhập với xã Bình Điền) về tình trạng chặt phá lâm sản trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thuộc Đồi 334 (đồi có độ cao 334 m so với mực nước biển).

Nhiều pano – áp phích được Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hương treo để cảnh báo người dân về bảo vệ rừng.
Nhiều pano – áp phích được Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương treo để cảnh báo người dân về bảo vệ rừng.

Nắm được thông tin, những ngày cuối tháng 6/2022, chúng tôi tiếp cận hiện trường.

Đây là khu vực heo hút, ẩn sâu trong các quả đồi, cách QL49 (theo đường thẳng) chừng 4 km, lối vào cheo leo, ngoằn nghèo, với nhiều dốc cao. Để đến được khu vực này, chúng tôi phải nhờ 2 người dân địa phương tên T. và H. (tên nhân vật đã được thay đổi) dẫn đường.

Việc dẫn đường cho người “lạ” vào khu vực rừng này dường như là một điều “cấm kỵ” bởi người dân địa phương lo ngại kẻ xấu phá rừng sẽ tìm đến phá luôn cuộc sống yên bình của mình. Bởi vậy, để được anh T. và anh H. đồng ý dẫn đường, chúng tôi phải thuyết phục nhiều lần.

Nhận được sự đồng ý dẫn đường của 2 người này, chúng tôi sắp xếp và hẹn với họ ngày thâm nhập để xác minh thông tin rừng phòng hộ bị “xẻ thịt”.

Sau hơn 1 km di chuyển bằng “xe chuyên dụng” của người bản địa dùng để đi rừng, cả nhóm phải chuyển sang đi bộ. Tuyến đường đi bộ gập ghềnh, nhiều đoạn dốc cao và dưới thời tiết nắng nóng, hanh khô, khiến chúng tôi mệt bơ phờ, vừa đi vừa nghỉ để tiếp sức.

Băng qua vài quả đồi, tại một khe suối, bất chợt, đập vào mắt chúng tôi là những phách gỗ bị bỏ lại và dù mục rỗng nhưng vẫn còn những dấu vết cưa, cắt của con người. Người dẫn đường tên H. cho biết, có thể do không thể đưa những phách gỗ này ra khỏi con suối hoặc do bị phát hiện nên “lâm tặc” đã bỏ lại.

Đi thêm một đoạn chúng tôi bắt gặp hình ảnh lán trại nằm ngay sát con suối nép bên bìa rừng với những vật dụng như xoong nồi được vứt lại nằm ngổn ngang. Anh H. nhận định, lán này là của “lâm tặc” để lại.

“Để khai thác gỗ, các đối tượng dựng lán trại cạnh các con suối. Sau khi chọn được cây gỗ ưng ý họ sẽ tiến hành cưa, xẻ gỗ thành phách tại chỗ, sau đó lần theo các con suối để đưa ra khỏi rừng, mang đi tiêu thụ”, anh H. nói.

Một lán trại được cho là của “lâm tặc” bỏ lại ở bìa rừng.
Một lán trại được cho là của “lâm tặc” bỏ lại ở bìa rừng.

Rừng phòng hộ bị "rút ruột"

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ, chỉ tay về phía rừng già, anh T. nói, “Đồi 334 trước mặt rồi”.

Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là cảnh hàng loạt cây gỗ lớn bị cưa hạ.

Nhiều gốc cây bị lâm tặc chặt phá tại khu vực đồi 334.
Nhiều gốc cây bị lâm tặc chặt phá tại khu vực đồi 334.

Điển hình, có gốc cây đường kính rộng hơn 2 gang tay người lớn. Cách gốc cây này chừng vài mét là hiện trường “lâm tặc” đã dùng để cưa xẻ gỗ thành các phách trước khi đưa ra khỏi rừng.

Mùn cưa tại chỗ cưa xẻ này còn khá mới. Bên cạnh đó, những cành nhỏ, tấm bìa gỗ bị bỏ lại nằm ngổn ngang. Anh T. chỉ tay lên phía đỉnh đồi và “bật mí” với chúng tôi, “trên đó còn nhiều nữa”.

Vừa đi, anh T. vừa chỉ dẫn, “thấy chỗ nào mà cây dây leo, cây nhỏ bị đổ rạp xuống và nhìn thấy thoáng, sáng thì khả năng là nơi đó có cây gỗ lớn mới bị đốn hạ”.

Đúng như lời anh T. nói, đi vào sâu rừng 334, chúng tôi liên tiếp bắt gặp những cây gỗ lớn bị chặt hạ. Nơi thì 1 cây, cá biệt, nhiều chỗ chỉ trong khoảng cách chừng chục mét có tới 2 đến 3 cây gỗ lớn bị cưa hạ.

Thời điểm ghi nhận, dường như những cây gỗ lớn bị “triệt hạ” này chưa lâu. Bởi lẽ, dấu hiệu xung quanh cho thấy, tại những cành bị bỏ lại lá chỉ mới khô chưa rụng hết; mùn cưa còn lại khá mới… Và, các tấm gỗ đã cắt thành phách phẳng phiu sót lại khi dựng lên thì cao tầm 3 - 4 m.

Một cành cây bị bỏ lại.
Một cành cây bị bỏ lại.
Nhiều cây gỗ có vết cắt còn tương đối mới.
Mùn cưa còn sót lại tại nơi được cho là “lâm tặc” dùng để cưa xẻ gỗ trước khi đưa ra khỏi rừng.

Kiểm đếm cùng chúng tôi trong diện tích chừng hơn 1 km2, anh H. và anh T. ước lượng đã có hàng chục cây gỗ các loại bị cưa hạ cách thời điểm đó chưa lâu.

Ban quản lý "không phát hiện", Chi cục Kiểm lâm phát hiện cây gỗ bị cưa hạ

Thông qua ứng dụng maps trên điện thoại, chúng tôi ghi nhận được một trong những gốc cây bị chặt hạ có tọa độ 16°22'25.1"N 107°25'08.1"E.

Nhiều cây gỗ có vết cắt còn tương đối mới.
Nhiều cây gỗ có vết cắt còn tương đối mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu rừng nói trên do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương quản lý, bảo vệ. Sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên đã chuyển thông tin và vị trí ghi nhận từ ứng dụng maps này đến lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương.

Tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Ban, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương cho hay đã cử lực lượng tiến hành xác minh.

Phản hồi lại chúng tôi, ông Ban cho biết, đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra tại tọa độ mà phóng viên cung cấp và không có phát hiện về vụ việc như phản ánh!?

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi tiếp tục liên hệ cung cấp hình ảnh và tọa độ 16°22'25.1"N 107°25'08.1"E cho ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Theo đó, ông Tuấn xác định: “Khu vực trên thuộc rừng phòng hộ, lô 3, khoảnh 1, Tiểu khu 137 do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương quản lý”.

Phản hồi cho chúng tôi, ông Tuấn cho biết, đã cử lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện có 2 cây gỗ bị chặt hạ.

Chỉ ít ngày sau đó, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà và Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương làm việc về việc rừng tự nhiên bị khai thác trái pháp luật tại khoảnh 1, 4 thuộc Tiểu khu 137 thì phát hiện 5 cây gỗ đã bị cưa hạ chỉ còn lại gốc cây tại hiện trường, chủng loại gỗ là Lèo heo, Vạng trứng (tên địa phương là Bạng), đường kính gốc từ 30 - 50 cm.

“Toàn bộ số gỗ trên bị cắt khúc, xẻ hộp bằng cưa xích và lấy đi một phần thân cây dưới có giá trị, để lại hiện trường nhiều bìa bắp, mùn cưa, cành ngọn, dấu vết tại hiện trường đã cũ”, dẫn báo cáo của Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà về việc rừng tự nhiên bị khai thác trái pháp luật tại khoảnh 1, 4 thuộc Tiểu khu 137.

Đồng thời, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà cũng cho biết, khu vực trên có diện tích khoảng 25 ha, nằm xen kẽ giữa diện tích rừng do Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa quản lý. Và, thời gian qua, tại khu vực này, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa tiến hành khai thác, tỉa thưa và trồng bổ sung nâng cấp rừng trồng JBIC nên người dân đã lợi dụng vào khai thác.

Việc nhiều cây gỗ lớn tại khu vực này bị cưa hạ lâu cũng có, mới cũng có, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Tại sao cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thừa Thiên - Huế: Gỗ lớn trong rừng phòng hộ bị đốn hạ