Việc thừa - thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất trước thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới là vấn đề đã tồn tại dai dẳng lâu nay của ngành giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, bất cập này xảy ra là bởi chính sách chưa nhất quán.
Một giờ học trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đinh Bộ Lĩnh, Ninh Thuận.
Rà soát tổng thể đội ngũ
Lý giải vì sao lại có chuyện giáo viên (GV) cấp mầm non, tiểu học thiếu còn các cấp học cao hơn lại thừa ở nhiều địa phương, TS Nguyễn Tùng Lâm- hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng giáo dục (GD) mầm non hiện chúng ta chưa thực sự quan tâm đến nơi đến chốn.
Điều này đáng lẽ phải làm từ sớm. Hiện nay chúng ta mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi, trong khi nhu cầu của dân thì 6 tháng tuổi đã phải gửi trẻ. Đã có quá nhiều sai lầm, quá nhiều sự cố xảy ra với nhóm trẻ ở độ tuổi mầm non khi chúng ta xã hội hóa cấp học này.
Vì vậy chúng tôi đang kiến nghị, trong Luật GD phải phổ cập mầm non từ lớp bé chứ không chỉ là nhóm 5 tuổi.
Còn thiếu GV cấp tiểu học thì do cung cầu nguồn nhân lực dự báo không chuẩn. Có chuyện đào tạo cấp học cao nhiều còn cấp thấp thì đào tạo ít. Câu chuyện thừa - thiếu GV không chỉ xảy ra với Hà Nội mà hầu hết các tỉnh thành. Thanh Hóa có giai đoạn đã kéo GV cấp học cao hơn xuống dạy tiểu học và mầm non, điều này sẽ xảy ra nhiều hệ lụy.
Không thể để tình trạng thiếu GV nhạc họa nhưng không tuyển được thì lại lấp chỗ trống bằng cách tuyển giáo viên toán vào để đủ định biên. Điều này dẫn tới tình trạng, tổng số thì vẫn là 1,9 GV/lớp nhưng có khi vẫn thiếu giáo viên ở một số môn học được.
Do đó ông Lâm đề nghị, cần thống kê rà soát thật kỹ lưỡng chứ ngồi trên giấy mà ban hành chính sách thì rất khó. Có điều tra kế hoạch dài hơi cho nhiều năm theo quy luật biến động và đưa ra con số tương đối trung bình các năm để năm đông nhất vẫn giãn ra được đủ, còn năm ít nhất anh chỉ đạo GV bồi dưỡng, đào tạo lại. Không thể “ăn đong” hàng năm.
Lý giải về nghịch lý đủ số lượng giáo viên nhưng vẫn thừa thiếu về cơ cấu các cấp học, bà Ngô Thị Minh- phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội cho rằng, trước khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GDĐT phải rà soát tổng thể tình hình đội ngũ hiện nay như thế nào, nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ tại các địa phương ra sao.
Chương trình, sách giáo khoa mới sắp đi vào thực hiện, sĩ số học sinh trên một lớp như thế nào, nhu cầu đội ngũ ra sao, Bộ phải cụ thể được điều này. Từ đó mới cân đối được mạng lưới trên cả nước. Cũng theo bà Minh, Bộ phải có dự báo nhu cầu giáo viên của 5 năm, 10 năm tới. Từ đó mới đưa ra được cần bao nhiều trường sư phạm ở Trung ương, cần giữ bao nhiêu trường sư phạm địa phương.
“Có một thực tế hiện nay đó là các con số thống kê của Bộ GDĐT đưa ra chưa chuẩn xác. Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thừa thiếu giáo viên hiện nay đang là bài toán bùng nhùng đối với ngành GD. Sắp tới, khi sửa đổi Luật GD, Luật Nhà giáo... còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình GD phổ thông mới” - theo bà Minh.
Chính sách chưa nhất quán
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thừa, thiếu GV như: một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành GD cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực.
Việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác. Nhiều địa phương ký hợp đồng với GV tràn lan, thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ... nhưng nguyên nhân sâu xa của sự bất cập này nằm ở chỗ chính sách chưa nhất quán.
Nguyên phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Lê Quốc Cường cho biết, những năm trước đây khi nói đến GD, y tế chúng ta khuyến khích xã hội hóa. Tức là muốn nhân dân mở trường tư để giảm bớt biên chế nhà nước. Nhưng không phải địa phương, bộ ngành nào cũng thực hiện nghiêm.
Cụ thể, về biên chế, Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT gần như không sửa đổi theo chính sách mới vẫn áp định mức khoán từ y tế đến GD. Chẳng hạn, khoán theo số lớp để giao biên chế, còn bệnh viện thì giao biên chế theo số giường nên vấn đề này đã nảy sinh bất cập.
Trong khi một bên đòi biên chế dù định mức giao biên chế không rõ ràng. Trước đây, GV cấp 2 định mức biên chế là 1, 8; cấp 1 thì 1,1; cấp 3 hơn 2. Chẳng hạn với GV cấp 3, cứ mỗi một đầu lớp có 2 GV. Trong khi đó nếu khoán theo số lớp thì khi học sinh đi học đông số lớp tăng lên biên chế tăng lên và ngược lại.
Cũng như y tế, nếu giường bệnh tăng lên thì biên chế tăng lên. Nhưng để thực hiện điều này thì phải phá vỡ tất cả những khoản định mức trước đây xây dựng và phải làm lại. Như vậy việc giao biên chế mới có cơ sở. Còn hiện nay chẳng ai nói gì thì cứ thông tư, nghị định trước đây quy định cứ thế nào cứ áp vào mà thực hiện nên lúc nào cũng nảy sinh bất cập. Cho nên mới có chuyện nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu cứ xảy ra mà không giải quyết được.
Ông Lê Quốc Cường khẳng định, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là chế độ chính sách của ta không nhất quán, mỗi giai đoạn lịch sử lại khác nhau nên sẽ nảy sinh bất cập không đáng có.