Thúc đẩy chuyển đổi xanh để tăng tốc phát triển

THANH GIANG 13/09/2023 07:04

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện các nguồn năng lượng sạch cung cấp cho thành phố mới chỉ hơn 14%, và đến 2030 cũng chỉ tối đa được khoảng 30%. Trong khi kinh tế xanh là động lực cho thành phố phát triển.

Kinh tế xanh - động lực phát triển mới cho TPHCM. Ảnh: Ban Mai.

Trong khi đó, theo nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol và Đại học Kinh tế TPHCM, hiện thành phố đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn Carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. Với Quyết định số 3273 của UBND TPHCM, thành phố đặt mục tiêu giảm phát thải khoảng 4 - 12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Có thể nói, đây là một mục tiêu đầy tham vọng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ cho TPHCM. Riêng về lĩnh vực kinh tế xanh, thành phố cần kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. “TPHCM nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa và số hóa” - bà Hà nói.

TS Trần Văn - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) chia sẻ, với mục tiêu không phát thải, TPHCM cần sử dụng các nguồn tài chính xanh, kể cả phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể, điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ, điện mặt trời mái nhà. Hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo. Xây dựng hệ thống rác phát điện từ rác thải sinh hoạt thay vì chôn lấp như hiện nay. Hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng TPHCM cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Cụ thể, TPHCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… Từ đó, lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, với Nghị quyết 98, TPHCM nên nhanh chóng triển khai để thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ Carbon. Việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của thành phố, thay vì đầu tư dàn trải. Đặc biệt, TPHCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán tín chỉ Carbon.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy chuyển đổi xanh để tăng tốc phát triển