Thúc đẩy đầu tư song hành với bảo vệ môi trường

Khánh Vy 16/11/2020 15:53

Tại Hội nghị tuyên truyền về tài nguyên và môi trường cho các cơ quan thông tấn báo chí do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp cùng Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa vừa được tổ chức, ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TM-MT Thanh Hóa đã có những kiến nghị Bộ TN-MT sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện luật liên quan đến môi trường để địa phương có căn cứ rõ ràng cấp phép cho các chủ đầu tư.

Hệ thống cảng biển Nghi Sơn được cho là có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam
Hệ thống cảng biển Nghi Sơn được cho là có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Ảnh: N.Q..

Quyết liệt với quản lý bảo vệ môi trường

Theo ông Đào Trọng Quy, trong cả nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Thanh hóa đã thu về gần 30.000 tỷ đồng từ việc thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất. Trong đó, riêng 10 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh thu được 5.089,6 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Thẩm định đấu giá đất cụ thể cho 33 dự án, tổng giá trị quyền sử dụng đất là 2.348 tỷ đồng. Trung tâm phát triển quỹ đất cũng đã đấu giá thành công quyền sử dụng đất 2 dự án là Khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc khu đô thị Nam TP Thanh Hóa (đợt 2) và Dự án KDC Đông Nam Đô thị Đông Phát.

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 27/27 huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn việc lập Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu cấp huyện làm cơ sở để triển khai thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất 96 dự án, tổng diện tích trên 1.900 ha.

Vấn đề quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường luôn được tỉnh cũng như sở TN-MT Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, ông Đào Trọng Quy cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, Sở đã tiếp nhận 39 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 232 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, đề nghị; xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất đối với 280 dự án đã được giao đất, cho thuê đất triển khai chậm tiến độ; tiếp tục triển khai thanh tra các dự án đầu tư và sử dụng đất của các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai; báo cáo UBND tỉnh xử lý 126 trường hợp nợ đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện đã đến hạn nộp tiền phải thu hồi quyết định trúng đấu giá. Ban hành theo thẩm quyền và tham mưu trình chủ tịch UBND tỉnh ban hành 52 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, với số tiền phạt là 3,6 tỷ đồng và truy thu 693 triệu đồng.

ông Đào Trọng Quy – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: N.Q..

Về công tác quản lý bảo vệ môi trường, ông Đào Trọng Quy cho biết, tình hình vi phạm luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Cụ thể, sở đã tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường 119 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 25 đơn vị, với số tiền là 1,78 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 5 đơn vị; yêu cầu các sở gây ô nhiễm phải đầu tư đầy đủ và vận hành thường xuyên các công trình thu gom, xử lý chất thải đảm bảo quy định trước khi xả thải ra môi trường; phối hợp và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xử lý môi trường tại các ổ dịch tả lơn châu Phi; xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai; tiếp tục giám sát về môi trường đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Cùng với đó, ngành cũng tổ chức 98 hội nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án cải tạo phục hồi môi trường; kiểm tra, xác nhận 34 kế hoạch bảo vệ môi trường; cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 14 đơn vị; đôn đốc 211 đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền 15,6 tỷ đồng, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp 267 đơn vị, số tiền 11 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa đã thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 10 giấy phép thăm dò khoáng sản, 27 giấy phép khai thác, phê duyệt trữ lượng khoáng sản 1 mỏ; thu hồi, đóng cửa 3 mỏ; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 233 mỏ, số tiền phải nộp ngăn 2020 là hơn 59,5 tỷ đồng.

Vấn đề bảo vệ môi trường tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn luôn được quan tâm
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn luôn được quan tâm tới vấn đề môi trường. Ảnh: N.Q..

Vẫn còn những băn khoăn

Cũng theo ông Đào Trọng Quy, Thanh Hóa là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc Trung ương, tuy nhiên lượng cán bộ nhân viên không đủ để quản lý.

"Đơn cử, như ngày một nhiều các cơ sở sản xuất, rác thải ra môi trường nhiều, tuy nhiên cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường tại huyện không có biên chế chuyên về việc này, khâu đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quản lý chưa thực sự được sâu sát", ông Quy cho biết.

Theo đó, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ xem xét cho phép bố trí cán bộ chuyên trách thay vì quy định tinh giản biên chế theo khuôn khổ, gây khó khăn cho một địa phương có đông dân cư và diện tích lớn như Thanh Hóa.

Liên quan tới vấn đề môi trường, ông Đào Trọng Quy đề xuất Bộ TN-MT ban hành các hướng dẫn cụ thể về thực hiện luật để địa phương có căn cứ rõ ràng trong việc cấp phép cho các chủ đầu tư.

Chia sẻ thêm ông Quy cho biết, thời gian tới, Sở TN-MT Thanh Hóa sẽ tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ngoài nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, để có nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, đảm bảo thực hiện công tác thu gom và xử lý chất thải tại các nhà máy tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao mặt bằng để mở rộng giai đoạn 2 của các nhà máy Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trong tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Quy cũng đề xuất đẩy nhanh công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai nhằm giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện về đất đai tại các địa phương.

Cụ thể, ông Quy cho biết, hiện nay đã có quy định dành 10% tiền thu từ đất hàng năm để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, tuy nhiên cho đến na,y các địa phương còn lúng túng, không biết nên thực hiện như thế nào. Theo đó, ông Quy kiến nghị Bộ TN-MT chủ trì, yêu cầu các tỉnh nộp số 10% trên vào một tài khoản đóng, chỉ được giải ngân khi các địa phương tiến hành thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy đầu tư song hành với bảo vệ môi trường