Trong bối cảnh kinh tế năm 2024 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, rất cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ, và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.
Đề cập đến “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, xuất khẩu vẫn là một động lực tăng trưởng rất quan trọng trong năm 2024. Năm 2023 gặp nhiều khó khăn nên xuất khẩu không đạt được tăng trưởng như mong muốn. Năm 2024 đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6%. Do đó cần quan tâm tới thị trường xuất khẩu ở các thị trường truyền thống. Theo đó ngoài vấn đề giá cả, chất lượng thì cần đáp ứng những yêu cầu về giảm khí thải CO2, điều kiện về môi trường.
Theo ông Thịnh, đây là vấn đề khó nhưng buộc phải làm. Bởi nếu không đáp ứng yêu cầu về giảm khí thải CO2 trong sản xuất các sản phẩm hàng hoá thì khó lòng có thể xuất khẩu vào các thị trường quốc tế. Do đó đây là yếu tố cần phải thay đổi trong sản xuất để hướng tới xuất khẩu.
“Muốn giảm khí CO2 chúng ta phải thay đổi về quy trình sản xuất, máy móc, thiết bị công nghệ trong quá trình lao động sản xuất kinh doanh. Đây là việc không dễ một sớm một chiều, và kinh phí đòi hỏi khá lớn”- ông Thịnh nói và cho rằng, cần chú ý đến phát triển thị trường tại các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Với tiêu dùng, theo ông Thịnh “đây là vấn đề lớn cần phải thay đổi”. Năm 2023 hoạt động tiêu dùng hàng hoá trong nước tăng trưởng 9,6%, và thấp hơn so với các năm trước đây. Việc cần thay đổi động lực này là điều quan trọng không những trước mắt mà còn lâu dài. Bởi vì thị trường trong nước là gần 100 triệu dân, với thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên rất nhanh, nhất là tầng lớp trung lưu.
“Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, hình thức để thích ứng với sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng trong nước ngày càng đòi hỏi rất cao, ngay trong nước mà chúng ta không nắm bắt được sở thích, thay đổi hình dáng mẫu mã sản phẩm để thích ứng với người tiêu dùng thì nói gì đến vấn đề xuất khẩu. Chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức về thị trường trong nước, coi đây là một trong những thị trường rất lớn. Thị trường này chúng ta tiết kiệm được các chi phí về vận chuyển, quảng cáo, lưu kho, lưu bãi, chi phí về xuất khẩu. Tiết kiệm được bao nhiêu thứ mà không nắm được, tận dụng được thì khó đẩy mạnh được tiêu dùng. Cho nên phải đổi mới, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trong nước theo nhóm dân cư, độ tuổi, vùng miền để có sự thay đổi thích ứng. Vì nắm thị phần trong nước thì sẽ đẩy mạnh được tiêu dùng” - ông Thịnh bày tỏ.
Nhấn mạnh đến vừa qua chúng ta đã giảm thuế VAT, các loại thuế phí hàng hoá, ông Thịnh đặt vấn đề: Tại sao không giảm giá thành sản phẩm, tăng hậu mãi. Đây là cái cần đổi mới nhiều nhất trong thời gian tới. Bởi lẽ nắm được thị trường tiêu dùng 100 triệu dân trong nước sẽ giúp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về động lực đầu tư, vị chuyên gia phân tích: Trong năm 2023 đầu tư công đã được đẩy nhanh tiến độ. Năm 2024 giải ngân đầu tư công ít hơn so với năm 2023 thì càng có điều kiện để đẩy mạnh đầu tư công ngay từ đầu năm để nâng cao chất lượng dự án, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo độ lan toả các hoạt động đầu tư công đến nền kinh tế tốt hơn. Đây là vấn đề có thể thực hiện được trong tầm tay vì có tiền, có các doanh nghiệp, có năng lực để sản xuất thi công các dự án nên có thể chủ động được trong thúc đẩy đầu tư công.
Ông Thịnh nhìn nhận: Nếu thực hiện tốt hoạt động đầu tư công, hiệu quả đem lại lớn hơn, tốt hơn cho nền kinh tế. Sự lan toả của đầu tư công đối với nền kinh tế là động lực để kích thích các ngành, nghề tăng trưởng tốt hơn. Vì thế đây cái cần phải đổi mới.
Đề cập đến thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, ông Thịnh đề xuất, phải tái cấu trúc năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế để làm sao có thể nâng cao được năng suất lao động trong từng lĩnh vực ngành nghề. Theo ông Thịnh, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi nhanh hơn nền sản xuất mà định hướng đã đề ra.
“Năm 2024 phải là năm bản lề cho hoạt động chuẩn bị, cũng như đáp ứng các yêu cầu về đầu tư, đảm bảo lực lượng lao động ngành nghề theo đúng yêu cầu mà chúng ta đã định chuyển hướng phát triển trong thời gian tới đó là sản xuất chip và linh kiện điện tử. Đây đang là bài toán cần làm ngay. Bởi nếu làm được, chúng ta có thể tái cơ cấu sản xuất và nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh”-ông Thịnh nói.