Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, được kỳ vọng thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội cho ngành năng lượng tái tạo.
Khách hàng được mua bán điện trực tiếp
Ngày 3/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định số 80 quy định rõ 2 hình thức mua bán điện. Đó là mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện được thực hiện theo quy định tại Nghị định.
Đối với việc mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, hợp đồng do 2 bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 22 của Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Giá bán điện do hai bên thỏa thuận (trừ trường hợp quy định tại Nghị định này). Theo đó, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hoặc đơn vị được ủy quyền theo quy định.
Ngoài các hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng như quy định ở trên, thì khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với tổng công ty điện lực, hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải tổng công ty điện lực. Trường hợp đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia, đồng thời với những nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện trong mô hình khu, cụm, giá bán lẻ điện cho khách hàng, sẽ được thực hiện theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công thương ban hành.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đây là bước đi có tính đột phá trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Đồng thời cũng sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất có cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp điện để đạt được chứng chỉ sản xuất xanh trong một thế giới đầy biến động.
Đánh giá cao về cơ chế DPPA, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc EVN cho rằng: Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế DPPA được Chính phủ ban hành, đáp ứng được lòng mong mỏi của các DN trong và ngoài nước. Đây là những bước rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh.
Áp lực lên lưới điện quốc gia?
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc Nghị định 80 được phê duyệt để đẩy nhanh triển khai cơ chế DPPA sẽ tạo thêm “người mua” trong thị trường điện cạnh tranh, thay vì chỉ có EVN, các tổng công ty phân phối điện thuộc EVN hiện nay. Từ đó sẽ đưa thị trường tiến gần tới cấp độ “bán buôn” và “bán lẻ” cạnh tranh.
Mặt khác, DPPA sẽ tạo cơ hội cho đầu tư phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo và tạo cơ hội để các DN sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon nhằm tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, dù trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, hay qua lưới điện quốc gia, thì các hợp đồng mua bán điện trực tiếp cũng vẫn tạo áp lực lớn cho lưới điện buộc phải cân bằng với lượng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng. Do đó, cần phải có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện.
Bên cạnh đó, hiện tại Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho khách hàng có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo trở nên cực kỳ tốn kém, nếu chỉ bán điện như lượng điện năng cung cấp thực sự theo yêu cầu đột xuất trong khung giá thị trường bị giới hạn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho rằng, cơ chế mua bán điện trực tiếp còn mới, chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định. Khó khăn đầu tiên là trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối với lưới điện quốc gia, hai bên tham gia cơ chế là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn sẽ tự thảo luận hợp đồng. Và ở đây có thể sẽ xuất hiện sự lúng túng trong thực hiện, đặc biệt đối với bên vận hành điện lực, chưa biết trên cơ sở nào để đàm phán.
Khó khăn thứ hai là trong trường hợp mua bán điện trực tiếp có kết nối với lưới điện quốc gia, cần phải đảm bảo tính hệ thống và tính an toàn trong vận hành hệ thống điện. Có thể nhu cầu của khách hàng và năng lực cung ứng chưa gặp nhau ở một số điểm. Khó khăn thứ ba là do đây là cơ chế mới, bản thân các đơn vị phát điện, đơn vị điện lực và đặc biệt là đơn vị vận hành (các trung tâm điều độ hệ thống điện) sẽ phải sử dụng các quy trình riêng để thực hiện việc này.
“Ở góc độ quản lý, Bộ Công thương sẽ theo dõi và có các chỉ đạo, về cơ bản đã giao cho các đơn vị để triển khai, cũng cố gắng để rà soát, triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình thực hiện” - ông Tân nêu rõ.