Việc sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Chiều 10/11, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (đơn vị tổ chức diễn đàn) và đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã chủ trì hội thảo chuyên đề số 4 với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo tổ chức nhằm mục đích tạo cơ hội để trao đổi, thảo luận và đề xuất, kiến nghị về những vấn đề phát triển năng lượng, năng lượng xanh và các năng lượng mới trong thời gian tới, gắn với việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình Hội nghị Trung ương 6 Khoá XIII.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, trong tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng. Do đó, việc sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay; trong đó, cần chú trọng tới công nghệ năng lượng mới, năng lượng xanh và tái tạo, gắn kết chặt chẽ Chương trình này với kế hoạch xây dựng quy định về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế.”, ông Hiển nói.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của Đảng, nhà nước, cần quan tâm xây dựng Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó phải có nhiệm vụ giải pháp về phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới; chú trọng nghiên cứu, quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát huy thế mạnh cạnh tranh để phát triển công nghiệp năng lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với những quan điểm định hướng đề ra trong Nghị quyết 55.
Bên cạnh các Báo cáo chính, Hội thảo còn có phiên trao đổi, thảo luận để các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn giả và các đại biểu tham dự đóng góp thêm những ý kiến từ thực tiễn và nghiên cứu khoa học; trao đổi kinh nghiệm, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến những thách thức lớn, những cơ hội lớn cho phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp thực tế, hiệu quả; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các loại hình năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; về khả năng thu hút đầu tư, phát triển các loại hình năng lượng xanh ở Việt Nam; trao đổi về cơ chế chính sách đặc thù để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn…
Qua đó, đề xuất, kiến nghị những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, hiệu quả cho phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.