Đó là thông điệp được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi đến đại diện các giới trong buổi nói chuyện kéo dài hơn 30 phút trước 2.000 người tại phòng họp Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, sáng 24/5.
Những người tham dự buổi nói chuyện
của Tổng thống Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình.
Sự thân thiện đã chạm tới trái tim
Mở đầu buổi nói chuyện, Tổng thống Hoa Kỳ Obama nói bằng tiếng Việt: “Xin chào, xin chào Việt Nam” khi gặp gỡ 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân Việt Nam. Cảm nhận đầu tiên được Tổng thống Hoa Kỳ chia sẻ tại khán phòng chính là cảm giác về “sự thân thiện đã chạm tới trái tim của chúng tôi”.
Cũng giống như nhiều người ngồi trong khán phòng, ông Obama cho biết “Khi lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc đó tôi 13 tuổi. Chúng ta nghĩ về quá khứ song chúng ta hướng về tương lai. Tôi trân trọng quá khứ lịch sử nghìn năm rất huy hoàng của Việt Nam”. Tổng thống Obama bày tỏ những hiểu biết của mình về nghệ thuật, giáo dục Việt Nam; bày tỏ những hiểu biết về vận mệnh của dân tộc Việt Nam, về tinh thần bất khuất của con người Việt Nam. Thậm chí ông còn trích hai câu thơ trong bài thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành đã định tại sách trời”.
Nhắc lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn của Hoa Kỳ “mọi người sinh ra ai cũng bình đẳng, tạo hóa cho họ có quyền được sống, được tự do, ai cũng quyền mưu cầu hạnh phúc”, Tổng thống Obama gửi đi thông điệp: “Khi chúng ta bất đồng về vấn đề gì đó thì chúng ta tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống và ghi nhận công lao của những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc”.
Không thể áp đặt ý chí lên dân tộc Việt Nam
Đó là nhấn mạnh của Tổng thống Obama khi nhắc lại mối quan hệ sau hơn 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ, cũng như hàng loạt những việc làm giữa hai nước đã được triển khai. Ông Obama khẳng định, với vai trò là Tổng thống ông muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước trên cơ sở quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng gần gũi hơn.
Chia sẻ mục tiêu của ông trong chuyến thăm này là cùng nhau xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới, Tổng thống Obama đã đề cập đến sự tiến bộ, và theo ông những giá trị tốt đẹp của con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh hay xung đột. “Đây là điều mà hai nước đã chỉ ra cho thế giới thấy. Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định. Và Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam”- Tổng thống Obama nói.
Cùng nhau phát triển nguồn nhân lực
Nhấn mạnh thời gian gần đây Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, các hiệp định thương mại, trong đó có các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư đã đến với Việt Nam, Tổng thống Obama khẳng định, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, phát triển mạnh với nhiều nhà cao tầng tại Hà Nội và TP HCM, với nhiều trung tâm thương mại, đã phóng vệ tinh vào vũ trụ với công nghệ thế hệ mới; hàng chục triệu người Việt đã kết nối với nhau qua Facebook, người Việt Nam đã có những tiếng nói mang lại sự tiến bộ của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ nước sạch đã tăng lên, tỷ lệ trẻ em trai, trẻ em gái đến trường rất cao. “Đó chính là những thành công của Việt Nam”- Tổng thống Obama chốt lại khi nêu bật lên những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Và để có một Việt Nam phát triển hơn nữa, Tổng thống Obama cho biết, bên cạnh hợp tác kinh tế đó chính là hợp tác giáo dục, nguồn lực con người. Theo Tổng thống Obama đó là những thế mạnh mà Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam. Các công ty hàng đầu, đại học danh tiếng Mỹ đã đến Việt Nam để hợp tác, đào tạo về khoa học công nghệ, toán học, y tế. Do vậy mùa thu năm nay Đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động. “Đại học này phi lợi nhuận, chất lượng cao sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam và đóng góp cho hợp tác giáo dục giữa hai nước”.
Nỗ lực đảm bảo an ninh chung
Bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ TPP, và bản thân ông sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa đến Mỹ, ông Obama cho rằng điều này sẽ giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với quốc gia nào. Và muốn thế, tất cả chúng ta phải nỗ lực đảm bảo an ninh chung. “Trong chuyến thăm này của tôi, hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin, tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai. Tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ Hoa Kỳ bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam”-Tổng thống Obama thông báo.
Nhấn mạnh “Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, các nước lớn không được hại nước nhỏ hơn”, Tổng thống Obama khẳng định: “Chúng tôi sát cánh cùng đối tác tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do thương mại. Khi chúng ta sát cánh bên nhau, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chiều sâu từ hàng không đến các vùng biển mà quốc tế cho phép”. Ông Obama nhấn mạnh, “Hai nước trước đây tham gia trận chiến nhưng giờ cùng hợp tác bảo vệ hòa bình. Việt Nam và Mỹ cần nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường đối thoại hai bên. Nhìn vào lịch sử, thách thức mà chúng ta vượt qua tôi lạc quan vào tương lai của quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin của tôi là nhờ nền tảng dựa trên tình hữu nghị. Như Trịnh Công Sơn đã viết bài “Nối vòng tay lớn”, mở tấm lòng của mình ra để thấy bản chất và trái tim của mình. Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn. Sau này khi người Mỹ, người Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn. Như Nguyễn Du đã nói: Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Tổng thống Obama kết thúc phần phát biểu của mình trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của những người có mặt trong khán phòng.
Tổng thống Hoa Kỳ trao đổi với các doanh nhân khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh Chiều 24/5, sau khi rời Hà Nội, Tổng thống Barack Obama đã tới TP Hồ Chí Minh, chặng dừng chân thứ hai của ông trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Sau cuộc tiếp Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, ông Obama đã gặp gỡ doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ của TP. Dự buổi gặp có Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. Cuộc gặp gỡ với doanh nhân trẻ là để nghe doanh nhân trẻ nói về những khó khăn và sự khác biệt trong kinh doanh giữa doanh nhân trẻ Việt và Hoa Kỳ- ông Obama chia sẻ. Dự cuộc gặp gỡ có khoảng 100 doanh nhân đang làm ăn thành đạt và nhiều người đã từng được biết đến với thành tích học tập xuất sắc khi còn là lưu học sinh tại Hoa Kỳ. Phát biểu, nhiều doanh nhân trẻ cho rằng họ được đối xử công bằng trong lĩnh vực mình đang làm và việc họ trở về Việt Nam sau một thời gian du học tại Mỹ là nhờ nhìn thấy được nhiều tấm gương kinh doanh thành đạt tại quê hương và bản thân họ cũng muốn thử sức mình. Nhưng khó khăn về vốn vãn là điều hiện hữu. Tổng thống Obama đã lắng nghe phát biểu của những người trẻ Việt Nam trên con đường lập nghiệp và chia sẻ với những băn khoăn của họ. Trước đó, ngay sau khi vừa tới TP HCM, Tổng thống Obama đã đến thăm chùa Ngọc Hoàng tọa lạc tại Quận 1. V.Linh |