Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã hình thành và tồn tại gắn bó với đời sống tâm linh của người Việt từ lâu đời. Tuy nhiên, theo Nghệ nhân ưu tú Lưu Ngọc Đức- Chủ tịch Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thờ Mẫu và Hát Văn Hà Nội, từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bên cạnh niềm vui còn là nỗi lo của nhiều người, trong đó có nhiều thanh đồng chân chính.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang có nhiều biến tướng. Ảnh: Quang Vinh.
Sau hơn 3 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhìn chung hiện nay về việc giữ gìn nghi lễ cổ truyền trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn được đại đa số các thanh đồng duy trì theo nếp hầu truyền thống. Song phát triển là quy luật tất yếu của xã hội, trong đó có cả lĩnh vực văn hóa tâm linh nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tuy nhiên sự phát triển đó đang chịu sự tác động, ảnh hưởng do biến đổi của xã hội. Ở đó, những đổi mới không chọn lọc, tùy tiện, thiếu văn hóa đang lợi dụng, len lỏi phá vỡ làm mất đi các giá trị chân, thiện, mỹ trong nét đẹp văn hóa tâm linh mà tổ tiên ta đã bao đời dày công gìn giữ. Những hình ảnh, việc làm phản cảm đó ngoài xã hội đời thường cũng không chấp nhận được, chưa nói đến hai chữ “tâm linh”.
Đơn cử việc thực hiện nghi lễ hầu đồng chúng ta cũng đã chứng kiến không ít những bộ y phục dị hợm, kỳ quái cụ thể vạt sau của áo dài tới 3-4m, tay áo thụng tới hàng mét. Đây không phải là y phục hầu bóng mà là những chiếc búi tóc độn tóc giả cao chót vót xoắn chôn ốc, những chiếc mũ cánh chuồn không ra văn quan, võ tướng, màu sắc khăn áo tùy tiện, mẫu mã “tự biên, tự diễn”, không mang phong cách Việt cổ truyền. Cá biệt còn có những trường hợp mặc cả áo rằn ri, đi giầy tây, đội mũ tai bèo, đội mũ bảo hiểm. Tiếp đó đến những chiếc đai kệch cỡm, dây dợ chi chít, lằng nhằng, những bộ đồ nữ trang “dở Tây, dở Ta” đeo trên người những thứ mà từ xưa không có tên gọi làm mất đi nét văn hóa truyền thống.
Cùng với đó, nói tới lễ vật tiến cúng thì một số thanh đồng dâng lễ cả quạt điện, quạt lạnh, nồi cơm điện, phích nước, chăn bông làm đồ phát lộc thật là dung tục làm mất đi nét tâm linh cao quý của phẩm vật lục cúng, phát lộc. Bên cạnh đó, việc vàng mã cũng đốt quá nhiều, có những thanh đồng đốt tới mấy trăm triệu đồng tiền vàng mã, dựng nên những hình tướng mã kỳ quặc không có trong nghi lễ cổ truyền mà chỉ để thể hiện đẳng cấp phô trương sự giầu sang. Cá biệt có những vấn hầu tới hàng tỷ đồng làm mất đi cái cốt cách tâm linh lấy chốn đền phủ làm nơi “khoa danh, khoa lợi” vô cùng lãng phí, làm hao tổn tới kinh tế gia đình, xã hội... Đây cũng là nguyên nhân tạo nên nhiều hiểm họa xã hội dẫn tới vỡ nợ, phá sản.
Không những vậy việc sử dụng đạo cụ cũng hiện nay cũng rất tùy tiện, nhiều thanh đồng mang cả đinh ba, súng trường thực hiện khi hầu thánh quan tuần lấy long đao làm pháp bảo phá ngục. Nhiều thanh đồng truyền phán thì không dùng lời lẽ nhả ngọc phun châu, bảo dân hộ quốc mà nặng nề trách phạt, dọa nạt, trần tục, mang nội dung trục lợi gây nên tâm lý lo sợ, hoang mang ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của mọi người, gây nên mất đoàn kết trong gia đình, xã hội. Ngoài ra, có một số thanh đồng còn tự bày đặt ra hầu những giá đồng mà từ xưa không có cụ đồng nào hầu như hầu Thánh Mẫu, hầu Ngọc Hoàng, hầu Chầu Quế Chầu Quỳnh, hầu Đức chúa công... Từ đó dẫn đến việc cung văn không biết bài nào để hát gây nên sự lộn xộn không theo một trật tự cổ truyền. Chưa kể hiện nay còn có một số thanh đồng đó đã tự tách mình ra ngoài quỹ đạo chung của cộng đồng, tạo ra điểm nhấn cho bản thân với suy nghĩ “duy ngã độc tôn”.
Bên cạnh đó, vấn đề vũ đạo cũng đang có nhiều biến tướng. Một số thanh đồng không vì mục đích tâm linh mà vì mục đích ganh đua, khoe tài, khoe khéo thành ra nặng về biểu diễn làm mất đi nét văn hóa tâm linh trong việc hầu Thánh. Đặc biệt có những thanh đồng còn lôi kéo cả người ngồi dự hầu lên cùng nhảy múa, mở loa hết cỡ, cổ súy hò hét, điên loạn như trên vũ trường làm mất đi sự trang nghiêm tôn kính, chưa kể còn là hiện tượng tranh cướp lộc, hỗn loạn tạo ra bao hình ảnh phản cảm chốn “tâm linh”.
Có thể nói, trong khi các tổ chức xã hội, các thanh đồng luôn nhiệt tình nỗ lực phát hằng tâm, hằng sản nhằm tôn vinh nghi lễ thờ Mẫu thì những vấn đề nêu trên là thực tại đã có và vẫn đang diễn ra tồn tại trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Đây không phải là những đổi mới mang tính tích cực mà là những biến tướng, thảm họa nguy hiểm gây nên biết bao ảnh hưởng tiêu cực làm xấu đi nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu, làm ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có sự tế nhị, kiên trì của các ngành, các cấp lãnh đạo, của cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu của khoa học, cùng các ông bà đồng đền, thủ nhang các đồng thầy trong việc nhận diện vấn đề cụ thể, toàn diện, sâu sắc hơn nữa. Từ đó sẽ nâng cao hiểu biết chuyên môn, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật để định hướng xây dựng thành quy chuẩn mẫu mực, thành văn bản dẫn dắt cho mọi người hiểu đạo, nhập đạo theo đúng nghi lễ cổ truyền.
Vấn đề đổi mới thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong thời kỳ hội nhập cần có sự chọn lọc để trong thực hành nghi lễ hầu đồng được đúng đắn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ những chọn lọc sẽ góp phần hoằng dương những nét đẹp nhân văn “chân, thiện, mỹ” của văn hóa tâm linh nói riêng và thuần phong mỹ tục nền văn hóa dân tộc nói chung. Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này - xứng danh với sự vinh phong mà UNESCO đã công nhận.
Về lễ vật tiến cúng, một số thanh đồng dâng lễ cả quạt điện, quạt lạnh, nồi cơm điện, phích nước, chăn bông làm đồ phát lộc… làm mất đi nét tâm linh cao quý của phẩm vật cúng, phát lộc. Vàng mã cũng đốt quá nhiều, có những thanh đồng đốt tới mấy trăm triệu đồng tiền vàng mã, dựng nên những hình tướng mã kỳ quặc không có trong nghi lễ cổ truyền mà chỉ để phô trương sự giầu sang. Cá biệt có những vấn hầu tới hàng tỷ đồng, lấy chốn đền phủ làm nơi “khoa danh, khoa lợi” vô cùng lãng phí.