Xã hội

Thực hiện chính sách xóa nghèo bền vững

Lê Bảo 26/02/2024 12:35

Thực hiện giảm nghèo bền vững, trong năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, thúc đẩy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

anhtren.jpg
Thiếu vốn và thiếu kỹ năng lao động sản xuất là 2 nguyên nhân khó thoát nghèo. Ảnh: T.Hường.

Cả nước còn hơn 800.000 hộ nghèo

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, về tỷ lệ nghèo đa chiều tính chung toàn quốc (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) là 5,71%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.586.336 hộ.

Xét theo các vùng, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất, chiếm 18,20%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 587.952 hộ. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ nghèo đa chiều là 1,87%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 129.779 hộ…Về số hộ nghèo, tính chung cả nước có tỷ lệ là 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tổng số hộ nghèo là 815.101 hộ.

Trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, chiếm 11,29%; tổng số hộ nghèo là 364.681 hộ. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ nghèo là 0,72%; tổng số hộ nghèo là 50.149 hộ. Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tỷ lệ hộ nghèo là 3,83%; tổng số hộ nghèo là 219.750 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo tại Tây Nguyên là 6,40%; tổng số hộ nghèo là 100.563 hộ…

Đối với huyện nghèo, theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025: Tỷ lệ nghèo đa chiều là 47,94%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 471.571 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo là 31,72%; tổng số hộ nghèo là 311.981 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 16,22%; tổng số hộ cận nghèo là 159.590 hộ.

Bộ LĐTBXH cho biết, tỷ lệ nghèo đa chiều, số hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bố này là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, các chính sách kinh tế - xã hội khác kể từ ngày 1/1/2024.

Đánh giá về công tác giảm nghèo tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, xét về tiêu chí giảm nghèo bền vững thì còn nhiều vấn đề. Kết quả giảm nghèo nói chung nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà, thậm chí là mất một vài con bò.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chương trình giảm nghèo giai đoạn này đã bước sang năm thứ 3 nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào nhà nước còn phổ biến. Từ thực tế này, để giảm nghèo đạt kết quả cao cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Hỗ trợ có điều kiện để giảm nghèo bền vững

Năm 2024 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao Bộ LĐTBXH là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên 1%. Để thực hiện giảm nghèo bền vững, trong năm nay, Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, thúc đẩy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Bộ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau, để không bị chồng chéo, trùng lắp. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.

Theo ông Phạm Hồng Đào - Phó Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH), năm 2024 là một năm đặc biệt quan trọng, bởi vì đây là năm đề xuất cho chương trình đầu tư công cho giai đoạn tới. Vì vậy, cần phải đánh giá lại toàn bộ các kết quả đã triển khai chương trình và để có thể định hướng cho chương trình giai đoạn tới nhằm các mục tiêu đạt được tỷ lệ hộ nghèo như Quốc hội và Chính phủ giao.

Theo Bộ LĐTBXH, năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng để có thể đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; là năm đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 cũng như nghiên cứu, đề xuất chuẩn nghèo, định hướng giảm nghèo cho giai đoạn 2026 - 2030 theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện chính sách xóa nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO