Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnhnhấn mạnh: Các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để cùng thống nhất triển khai thực hiện Chương trình MTQG.
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, do Ủy ban Dân tộc quản lý; Thông tư hướng dẫn quy trình đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình MTQG.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự còn có đại diện các bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo tỉnh tại các điểm cầu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Đặc biệt, ngày 14/10/2021 đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021- 2025, với 10 dự án thành phần. Đây là một chính sách lớn, có tính bước ngoặt lịch sử, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo đề dẫn, định hướng nội dung cần xin ý kiến của các Thông tư: Hướng dẫn thực hiện Dự án 1, Dự án 2, Dự án 4, Dự án 9, Tiểu dự án 4 của Dự án 5 và Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 2 của Dự án 10 thuộc Chương trình MTQG giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025; Hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn I: Từ năm 2021-2025. Theo đó, các đại biểu tập trung nghiên cứu, góp ý về: Tính phù hợp của dự thảo 02 Thông tư với các văn bản pháp luật hiện hành, nhằm đảm bảo việc ban hành Thông tư đúng pháp luật, không chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác; Về bố cục, nội dung dự thảo của 02 Thông tư, các vấn đề bất cập chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, những quy định cần chỉnh sửa; những vấn đề chưa rõ, chưa cụ thể, chưa được đề cập, chưa thống nhất, cần thiết được làm rõ và bổ sung thêm trong dự thảo của 02 Thông tư.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự đầu tư, nghiên cứu và đề xuất nội dung của các dự thảo Thông tư của Ủy ban Dân tộc. Một số ý kiến đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy trình tổ chức thực hiện; rà soát, thay đổi một số nội dung để phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương như vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; bảo tồn văn hóa, lễ hội truyền thống; đào tạo nghề cho người lao động DTTS; nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai thực hiện; các hướng dẫn cần ngắn gọn, chi tiết, tạo thuận lợi trong triển khai các dự án…
Góp ý tại hội thảo, ông Hà Thanh Sơn, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, qua nghiên cứu cho thấy dự án đã giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. “Tuy nhiên, đối với tỉnh Trà Vinh, qua rà soát năm 2019, tại thời điểm đó nhiều người dân đạt chuẩn hộ nghèo nhưng đến thời điểm này khi một số xã đã đạt những tiêu chí cơ bản của xã nông thôn mới thì tiêu chí hỗ trợ có thay đổi, có cần bổ sung hướng dẫn để thực hiện các dự án không?”, ông Sơn băn khoăn.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến, đề án sẽ góp phần thay đổi đời sống của đồng bào DTTS. Trước đây, chúng ta đã thực hiện nhiều dự án, nhưng nhiều nội dung chưa đạt được như mong muốn. Do đó, để dự án này đạt được hiệu quả như mong muốn, các bộ, ngành Trung ương cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thực hiện. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện đề án, tiểu đề án không nên quy định cứng cách thức thực hiện mà nên linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu thực tế của từng vùng đồng bào DTTS.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Trên tinh thần dễ làm, dễ triển khai, đánh giá và phân cấp tối đa cho địa phương, Hội thảo là cơ hội rất quý giá cho Ban Soạn thảo tổng hợp, lắng nghe các ý kiến thảo luận, đề xuất để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các dự thảo Thông tư hướng dẫn trước khi ban hành, để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
“Những vấn đề mới, cần phải được phân cấp để đưa ra các giải pháp tiếp thu, thực hiện cho hiệu quả. Đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống cũng cần có sự phân tích sâu sắc, vận dụng linh hoạt, thực hiện cho phù hợp, bám sát vào cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất để khi thực hiện không vướng mắc. Thông tư phải rõ ràng để đảm bảo cho các địa phương khi triển khai không vướng mắc, đảm bảo sự liên thông, thống nhất từ trên xuống”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói, đồng thời nhấn mạnh: Các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để cùng thống nhất triển khai thực hiện Chương trình MTQG. Trọng tâm của việc phối hợp là cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của Trung ương làm cơ sở để sẵn sàng triển khai Chương trình MTQG sau khi có văn bản hướng dẫn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lưu ý, hiện nay, tình hình Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, nắm bắt tình hình khó khăn của người dân, tình hình dịch bệnh ở vùng DTTS để phối hợp tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; thông tin kịp thời tới Ủy ban Dân tộc để có cơ sở kiến nghị với Trung ương đưa ra những giải pháp hỗ trợ đồng bào. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương cần tích cực chăm lo cho người dân, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS…