Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Hoàng Nguyên 30/09/2020 09:00

Trong 5 năm qua, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, ngân sách tỉnh, huyện... tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Góp phần tạo ra sự chuyển biến đáng kể về hạ tầng các xã nông thôn; hoàn thiện hệ thống giao thông từ xã đến huyện, tỉnh; đảm bảo nước tưới ổn định cho 85.000 ha cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục đào tạo của nhân dân, giảm nhanh số hộ nghèo, cận nghèo...

Nông dân Thái Nguyên thu hoạch chè.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc ngoài tạo bước phát triển kinh tế - xã hội mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cũng góp phần đáng kể vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hiện Thái Nguyên đã có hơn 70 xã vùng dân tộc thiểu số trong tổng số 114 xã nông thôn trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn hai lần so với tỷ lệ các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới của toàn quốc và có 3 xã đặc biệt khó khăn đang hưởng các chính sách theo Chương trình 135 đã đạt chuẩn nông thôn mới, đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình.

Ngoài ra, việc lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các nguồn vốn khác cũng giúp phát triển kinh tế - xã hội các xã nông thôn có nhiều khởi sắc với hơn 100 xã đạt tiêu chí giao thông, trên 125 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 100% số xã đạt tiêu chí điện, trên 120 xã đạt tiêu chí trường học, hơn 132 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... Với việc triển khai đồng bộ các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã nông thôn trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Thái Nguyên đã giảm nhanh, từ gần 20% (năm 2016) xuống còn dưới 6% như hiện nay, giảm bình quân khoảng 3,2%/năm, trong đó các xã hưởng Chương trình 135 giảm 5%/năm...

Theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thời gian tới, trong công tác dân tộc, Thái Nguyên phấn đấu giảm nhanh các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm và đẩy nhanh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung các nguồn vốn đầu tư đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; cơ bản các hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và được tiếp cận sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Thái Nguyên cũng tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới; triển khai xây dựng nhanh các công trình trọng điểm; tạo cơ hội cho nông dân, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và tăng giá trị thu nhập cho người lao động, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, nông hộ hoàn chỉnh, mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp để nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc