Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính: Lúng túng vì văn bản hướng dẫn

Lan Hương 20/11/2017 08:35

Theo thống kê từ Bộ Tư pháp, trong 5 năm qua tính đến ngày 30/9/2017, Chính phủ đã ban hành tổng số 92 nghị định (trong đó 9 nghị định đã hết hiệu lực) và 67 thông tư (còn hiệu lực) nhằm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính hiệu quả.

Tuy nhiên tại Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) do Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua, nhiều địa phương cho biết, cùng một hành vi nhưng lại chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định, hệ quả là cấp cơ sở lúng túng không biết phạt theo quy định nào.

Xử phạt hơn 28 triệu vụ việc

Thống kê của Bộ Tư pháp, sau 5 năm triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính, đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện 36.789.227 vụ vi phạm hành chính và đã xử phạt được 28.493.927 vụ việc.

Với việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 57.311 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 53.164 đối tượng (chiếm 92,8% tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị).

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Luật Xử lý VPHC đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Xử lý VPHC, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính, tội phạm trong thời kỳ mới; khắc phục tối đa tình trạng thiếu thống nhất và chồng chéo trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, tình hình VPHC vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, chủ yếu ở lĩnh vực như giao thông đường bộ, an toàn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, kinh doanh, đất đai… Do đó, việc thực thi Luật Xử lý VPHC vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự hiệu quả.


Cơ sở lúng túng

Nói về những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Xử lý VPHC, đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh thẳng thắn cho biết, dù các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng tham mưu hoặc ban hành trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản hướng dẫn ra đời, nhưng nhiều nội dung của Luật Xử lý VPHC chưa rõ thì lại không được hướng dẫn.

Một số nội dung được hướng dẫn nhưng không thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn và không đảm bảo tính khả thi.

Đơn cử như cùng một hành vi nhưng được quy định ở nhiều nghị định khác nhau với mức phạt khác nhau.

Ví dụ như hành vi xả rác nơi công cộng, Điểm Đ Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Nhưng ở Điểm d Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000....

“Tình trạng cùng một hành vi vi phạm nhưng có mức phạt khác nhau đã gây lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử phạt, đặc biệt là đối với chính quyền cơ sở, là cơ quan có trách nhiệm quản lý về các vấn đề nêu trên và cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trên”- theo đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương phản ánh tình trạng quy định hành vi vi phạm nhưng thẩm quyền xử phạt không phù hợp nên không phát huy được hiệu quả.

Cụ thể trong lĩnh vực xây dựng, thanh tra viên gần như không thể thực hiện việc xử phạt VPHC vì hầu hết các hành vi vi phạm đều vượt thẩm quyền xử phạt.

Tương tự, các hành vi vi phạm phổ biến như không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế tại các quận nội thành đều vượt thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp phường.

Điều này đã làm giảm đáng kể vai trò của UBND cấp phường, tăng áp lực của UBND cấp quận, đồng thời ảnh hưởng tới tính kịp thời của việc xử lý vi phạm.

Theo đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, quy định của pháp luật còn chưa phân định rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền dẫn đến né tránh trách nhiệm, xử lý vi phạm không triệt để nên đã hạn chế kết quả thi hành pháp luật về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Từ những hạn chế trên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt VPHC nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính: Lúng túng vì văn bản hướng dẫn