Năng lực đội ngũ cán bộ vẫn chưa được cải thiện, lợi ích nhóm vẫn còn, chưa có nhiều thay đổi trong cải cách tiền lương, nhiều địa phương vào cuộc chưa thực chất, thậm chí còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm, làm cho có…
Đó là ý kiến của giới chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong buổi tọa đàm “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả và giải pháp” được VCCI tổ chức chiều 23/3 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp vẫn kêu khó về thủ tục đất đai và vốn.
Chỉ số bôi trơn và tham nhũng chưa hạ
Đánh giá về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng DN cho rằng, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện rõ rệt kể từ khi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ ra đời.
Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (VCCI), ít có giai đoạn nào môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển DN được nhắc nhiều đến như thời gian vừa qua.
“Người đứng đầu Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với DN để đưa ra các giải pháp, điều kiện thuận lợi nhất cho DN”- ông Tuấn nhận định.
Nhờ sự nỗ lực đó, năm 2016 vừa qua, thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số thuận lợi kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng đã đã tăng 9 bậc, từ vị trí 91/189 quốc gia lên vị trí thứ 82 của bảng xếp hạng.
Và năm 2016 cũng là năm đầu tiên, số DN thành lập mới tại Việt Nam đạt con số kỷ lục với hơn 110.000 DN. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã đi đúng hướng, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu DN, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến cáo, mặc dù có sự cải thiện song vẫn cần phải thận trọng, bởi theo ông, đội ngũ cán bộ thừa hành vẫn như vậy cả về chất lượng (chưa có cải thiện về năng lực- PV), lợi ích nhóm vẫn còn, chưa có nhiều thay đổi trong cải cách tiền lương…, thậm chí các Nghị quyết Chính phủ mới được chép lại vào các chương trình hành động ở địa phương, chứ chưa được cụ thể hoá thành các dự án, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện.
“Đặc biệt, các chỉ số bôi trơn và tham nhũng còn rất nặng, với trên 80% DN buộc phải bôi trơn và theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch thế giới. Do đó, nếu chấm điểm, về pháp lý tôi chấm 7 điểm nhưng về thực tiễn tôi chấm 5 điểm”- TS. Phong nêu quan điểm.
Theo quan sát của ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, thời gian qua, thực hiện việc Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ, bên cạnh các địa phương tích cực cũng vẫn còn nhiều địa phương còn thờ ơ, làm cho có hình thức.
“Nhiều nhiều địa phương tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhưng đối thoại vẫn mang tính hình thức, chưa hiệu quả nên nhiều kiến nghị của DN không được xử lý”- ông Hiếu nhấn mạnh.
Vẫn khó về thủ tục đất đai
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Nguyễn Văn Thời- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao sự ra đời của hai Nghị quyết 19 và 35 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên ông Thời cho rằng, vẫn thiếu một yếu tố quan trọng ở hai Nghị quyết này, đó là chế tài. Các nghị quyết không ban hành chế tài, mà các nhà soạn thảo mặc định nó ở các văn bản pháp luật. Mà thiếu chế tài cũng đồng nghĩa thiếu đi một thước đo, đánh giá hiệu quả của một DN, một địa phương.
“DN giờ phải cạnh tranh nhiều. Bản thân tự DN không muốn “lobby” nhưng nếu muốn làm ăn suôn sẻ thì họ buộc phải “lobby”. Lỗi do DN tự nguyện, nhưng nếu không tự nguyện thì không yên tâm để hoạt động”- ông Thời cho hay và nhấn mạnh: “Ban hành văn bản, chính sách nhưng phải tăng cả chế tài thì mới có tác dụng”.
Đặc biệt, vị đại diện cộng đồng DN cũng đưa ra đề xuất: “Các nhà nghiên cứu nên bổ sung thêm thước đo đánh giá các bộ ngành. Chính phủ cần sử dụng thước đo đó để đánh giá các lãnh đạo. Ở tỉnh, HĐND tỉnh lấy đó làm thước đo đánh giá các sở, ngành như vậy mới hiệu quả”.
Ông Nguyễn Nhân Phượng- Chủ tịch Hội DN tỉnh Bắc Ninh cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, DN về những cải tiến rõ nét của môi trường kinh doanh thời gian qua. Song, ông Phượng nêu lên thực tế rằng, hiện DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn gặp khó về thủ tục đất đai.
Cụ thể, có DN được Chủ tịch tỉnh đồng thuận cấp đất để xây dựng dự án xử lý nước thải nhưng phải mất đến 1 năm trời mới được nhận đất.
“Chúng ta muốn phát triển DN mà không có đất thì phát triển vào đâu”- vị này bày tỏ tâm tư và đề xuất rằng, Nhà nước nếu có các chính sách hỗ trợ DN trong vấn đề giải phóng mặt bằng thì sẽ giúp DN “dễ thở” hơn.