Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Hoàng Mai- Việt Thắng (ghi) 28/02/2017 08:30

Bài học thành công và chưa thành công trong 30 năm đổi mới đã cho chúng ta thấy rõ hơn những công việc mà Đảng phải làm; trọng sự của dân tộc mà Đảng phải gánh vác, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động khác thường. Nhà báo Nhị Lê- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nói về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Nhà báo Nhị Lê.

Cơ sở không vững thì nền tảng chông chênh

Theo nhà báo Nhị Lê, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là việc cần làm thường xuyên liên tục không ngừng nghỉ. Nhưng để tới độ cấp bách thì không thể xem là bình thường được. Nhưng không được hoảng loạn.

Thực tế, trong 87 năm qua, Đảng đã 5 lần chỉnh đốn. Đặc biệt, 20 năm trở lại đây, chúng ta có 3 lần chỉnh đốn Đảng và chỉ trong 2 nhiệm kỳ XI, XII chúng ta đã có hai cuộc chỉnh đốn lớn.

Đó là, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. 5 năm sau, cũng tại Hội nghị Trung ương 4 nhưng của khóa XII, Đảng tiếp tục soát xét và chỉnh đốn một cách căn cơ hơn, với mong muốn làm Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm trọng trách lịch sử.

Đưa ra dẫn chứng này để khẳng định thêm lần nữa rằng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục của Đảng ta.

“Đại hội XII cũng là thời điểm chúng ta nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới. Bao nhiêu bài học thành công và chưa thành công đã cho chúng ta thấy rõ hơn những công việc mà Đảng phải làm; trọng sự của dân tộc mà Đảng phải gánh vác. Đảng phải dẫn dắt dân tộc đối mặt với bao biến động của tình hình quốc tế như những thử thách và đón nhận nó như những cơ hội. Muốn đạt được điều đó, thực sự Đảng phải là đạo đức, là văn minh. Nói cách khác như một logic tất yếu, Đảng cầm quyền ở nước ta phải soát xét lại mình, vươn lên ngang tầm nhiệm vụ đất nước, trong một thời đại mà nhiều mặt cơ bản đã khác trước”-Nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh.

Quyền lực không có đạo đức sẽ rất nguy hiểm

Nói về 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lần đầu tiên được lượng hóa trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trước kia chúng ta chỉ định tính các biểu hiện suy thoái thì lần này chúng ta đã định lượng được chúng; tức là đã nhận diện được sự suy thoái. Nói cách khác, là đã có bộ tiêu chí làm chuẩn mực để xem xét đánh giá đảng viên.

“Định lượng được 27 biểu hiện là điều xưa nay khó làm nhất; là bước tiến quan trọng về mặt lý luận; đồng thời là bước tiến quan trọng về mặt tổ chức thực tiễn xây dựng Đảng. Trên cơ sở định tính, định lượng, chúng ta sẽ định chế”- nhà báo Nhị Lê chia sẻ và lưu ý thêm, trong các biểu hiện ấy, có những biểu hiện đã có xu hướng trầm trọng hơn, nguy cơ sinh tử không thể coi thường.

Bàn về những giải pháp, nhà báo Nhị Lê cho rằng, các nhóm giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII là những giải pháp chủ yếu.

Tuy nhiên, thực thi thế nào còn phải trông đợi sự chủ động sáng tạo của các tổ chức đảng các cấp, nhất là từ cơ sở. Bởi, có một thực tế đáng buồn, đó là, ở cơ sở, tâm lý nể nang, né tránh, thờ ơ, ngại va chạm đang là trở lực cho công tác xây dựng Đảng.

Cơ sở không vững thì nền tảng chông chênh. “Cái sai thì ai cũng thấy nhưng không dám nói ra chỉ vì sợ mất lòng, mất quan hệ… Mất từ cơ sở thì khó toàn vạn sự”- nhà báo Nhị Lê nêu quan điểm và phân tích thêm: Lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, một Nghị quyết về xây dựng Đảng đặt vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức. Nếu đặt nó trong tổng thể các mặt xây dựng Đảng về chính trị - tư tưởng - tổ chức thì đây là một chỉnh thể hoàn chỉnh.

Vẫn theo nhà báo Nhị Lê, quyền lực giao cho người không có đạo đức thì không khác gì thả con thú hoang vào thế giới. Ở một Đảng cầm quyền, sự say mê quyền lực mà quyền lực không có đạo đức, thì nó nguy hiểm đến mức nào.

Cho nên Đại hội XII nêu vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức; đồng thời Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ ra những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái càng cho thấy tính cấp bách của công tác xây dựng Đảng.

“Nếu chúng ta không làm tốt 2 quyết sách của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII thì không ai dám chắc vị thế uy tín của Đảng được bảo đảm đến đâu. Và năng lực, uy tín của Đảng trước vận mệnh dân tộc, đến một mức độ nào đó, sẽ hết sức nguy hiểm. Sự suy thoái đến độ nào đó thì Đảng không chỉ khó giữ được vị thế là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Kết hợp giữa đức trị và pháp trị

Nói về những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, theo nhà báo Nhị Lê thì quan trọng là người đứng đầu cần nêu gương. Trong bộ gồm 10 tiêu chí đạo đức đảng viên mà ông nghiên cứu và công bố trên Tạp chí Cộng sản, trung trực được xem là tiêu chí quan trọng nhất; mà trung trực trước hết là dũng cảm nhận lỗi với mình. Dẫu biết, vượt qua mọi tâm lý để dũng cảm với mình là điều rất khó khăn.

Đột phá thứ hai, theo nhà báo Nhị Lê là ở chỗ: Đảng sinh ra trong dân thì cần biết dựa vào dân. Nếu không dựa vào sự góp ý, giám sát của nhân dân sẽ không chỉnh đốn Đảng thành công.

“Trong giai đoạn hiện nay, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị- đó là đứa con sinh đôi trong cuộc chiến đấu này. Khuyên răn không đủ, đạo lý không đủ thì buộc pháp lý phải ra tay”- ông Nhị Lê nhấn mạnh và nói thêm, xử lý đảng viên vi phạm còn ngó trên, ngó dưới, thành ra ít ai sợ. Kỷ luật bị khoanh vùng thì thật sự lo ngại.

Ngày xưa, các cụ bảo thế này: Xử một người vạn người sợ. Sao giờ ta lúng túng thế ở nhiều người, nhiều nơi, nhiều cấp về việc này?

Nhà báo Nhị Lê cũng cho rằng, quyền lực phải được kiểm soát. “Giao quyền đến đâu kiểm soát đến đó. Lạm quyền, lộng quyền cần phải bị trừng phạt.

Đảng viên cũng là công dân, nhất quyết phải xử theo chức trách của một công dân, và cố nhiên phải dựa theo quy chế hoạt động của tổ chức, theo Điều lệ Đảng.

Nếu không đảm bảo các điều này, việc thực thi kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ như sét đánh vào cột thu lôi, không ai sợ cả.

Kỷ luật chưa đủ độ thì kỷ luật bị nhờn, pháp luật không đủ mạnh thì thanh gươm pháp lý sẽ biến thành thanh kiếm phường chèo.

Đến một thời điểm thích hợp, chúng ta có thể tổng kiểm tra, tổng rà soát trong toàn Đảng một lần nữa. Không thể để những người cơ hội, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm ở trong Đảng, khoác áo đảng viên. Không như thế, sẽ vô hình làm tổn hại và hạ thấp Đảng”- ông Nhị Lê nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO