Đây là nội dung đáng chú ý của Công văn số 2185/BHXH-PC vừa được BHXH Việt Nam ban hành.
Ngày 13/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án.
Liên quan đến lĩnh vực tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2185/BHXH-PC, yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, thi hành kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, dân sự, lao động trong trường hợp cơ quan BHXH là người phải thi hành án theo quy định. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị SDLĐ thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đúng quy định. Kịp thời lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố theo hướng dẫn tại Công văn số 239/BHXH-PC của BHXH Việt Nam về hướng dẫn tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố khi có căn cứ về dấu hiệu phạm tội được quy định tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao) hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp; Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ trong Bộ luật Hình sự. Báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc để được hướng dẫn giải quyết.
Mặt khác, thực hiện nghiêm việc thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, BHXH các địa phương đã chủ động thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng hoặc có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tính đến tháng 6/2020, toàn ngành đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 834 đơn vị, qua đó đã phát hiện 2.371 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 18,455 tỷ đồng; 9.985 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 51,785 tỷ đồng. Số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 98,147 tỷ đồng. Ngành cũng đã ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi 4,326 tỷ đồng.
Từ nay đến hết năm 2020, ngành sẽ đẩy mạnh phối hợp thanh tra liên ngành, tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, qua đó bảo đảm quyền lợi người tham gia.