Ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi trình độ chuyên môn và kỹ thuật rất cao đối với các thầy thuốc.
Tuy nhiên, nấc thang này đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương vượt qua bằng ca phẫu thuật thành công cho bé trai 9 tháng tuổi ở Lâm Đồng. Đây là ca ghép gan thành công thứ 25 tại Bệnh viện Nhi Trung ương và là ca ghép đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bởi các bác sĩ của bệnh viện, không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ 9 tháng tuổi mắc teo mật bẩm sinh - một bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật. Tỷ lệ mắc khoảng 1/10.000 trẻ. Bệnh khiến toàn bộ hệ thống đường mật trong và ngoài gan bị tổn thương, gây xơ gan mật.
Trước đó, trẻ đã được phẫu thuật nối mật, ruột ở bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng xơ gan mật vẫn tiến triển. Trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khá nặng. Ở giai đoạn này, ghép gan là phương pháp duy nhất để cứu sống trẻ. Nếu không được ghép gan, thời gian sống của bệnh nhân chỉ được tính bằng tháng, thậm chí chỉ vài tuần.
TS. BS Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Cháu bé tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nặng, liên tục phải sử dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ để duy trì sự sống.
Ngày 14/3, ca ghép gan từ một phần gan của người bố cho bé trai 9 tháng tuổi, cân nặng 8,2 kg dưới sự thực hiện của một ê kíp gồm nhiều chuyên gia từ các chuyên khoa đã thành công sau 9 tiếng đồng hồ phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi và chăm sóc sức khỏe với chế độ đặc biệt và sức khỏe dần hồi phục. Đến ngày 11/4, trẻ đã được xuất viện.
PGS.TS Phạm Duy Hiền – người trực tiếp thực hiện và chỉ đạo kỹ thuật ca ghép gan của bệnh nhi kể lại: “Ca ghép gan này được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp với rất nhiều khó khăn. Vượt qua các khó khăn trong đại dịch để cứu bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, không đơn thuần là sự làm chủ kĩ thuật ghép tạng và hồi sức của các bác sĩ trong ê kíp, mà còn có sự sẻ chia của các nhân viên y tế khác của bệnh viện. Trong 2 ngày, sau lời kêu gọi, hơn 506 đơn vị máu đã được các y bác sĩ bệnh viện cùng các Đoàn viên thanh niên Câu lạc bộ phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện Công an TP Hà Nội và một số đơn vị, cá nhân cộng đồng chia sẻ cho ca ghép và những bệnh nhi khác đang cần phẫu thuật".
Tiếp nối thành công đó, ngày 30/3, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi chỉ nặng 8kg từ phần gan của mẹ.
PGS. TS Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Việc bệnh viện làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan giúp chủ động trong việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhi, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho gia đình bệnh nhân. Thời gian tới, bệnh viện cố gắng để thực hiện ghép gan nhi trở thành thường quy với mục đích duy nhất là cứu chữa trẻ em của Việt Nam với chất lượng cao nhất và giá thành thấp nhất để nhanh chóng đưa các cháu trở lại bình thường.
Với những thành tựu to lớn nói trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, khen ngợi tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Nhi Trung ương, đặc biệt là ê kíp đã ghép gan cho bé thành công vào ngày 14/3 vừa qua.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, nhờ sự nỗ lực không ngừng học hỏi về trình độ chuyên môn và kỹ thuật, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết tâm làm chủ hoàn toàn quy trình thăm dò trước ghép, kỹ thuật ghép, gây mê, hồi sức góp phần mở ra nhiều hy vọng mới cho các gia đình có con mắc bệnh lý suy gan giai đoạn cuối.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục làm việc trên tinh thần "Tận tâm, chất lượng vì sức khoẻ trẻ em Việt Nam" để mang lại cuộc sống cho nhiều trẻ em bị bệnh hiểm nghèo hơn nữa.