Hiện chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh Covid-19 có thể lây qua ống thông gió trong WC của căn hộ chung cư. Tuy vậy, các chuyên gia kỹ thuật toà nhà cao tầng đều không loại trừ khả năng lây nhiễm này.
Nhiều người dân sống trong căn hộ tại khu chung cư cao tầng tại TP HCM bị dương tính Covid-19, điều đáng nói có hiện tượng, cùng chung một trục dọc, tức căn hộ tầng dưới có trường hợp dương tính thì tầng trên cũng phát hiện ca nhiễm. Đơn cử như tại chung cư Vạn Đô, Quận 4, phát hiện 5 trường hợp F0 sống ở hai căn hộ liền kề cùng tầng. Sau đó, chung cư ghi nhận thêm các ca dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều người có triệu chứng bất thường ở 5 tầng khác trong tòa nhà. Đến ngày 6/8, Ban quản lý chung cư Vạn Đô xét nghiệm nhanh các hộ thuộc trục dọc với nhà có F0 để đánh giá mức độ lây nhiễm qua đường thông gió. Kết quả, có thêm 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ở 3 tầng khác cùng một trục căn hộ.
Khoan hãy bàn đến nguy cơ chế lây nhiễm của Covid-19, trước tiên người dân ở chung cư cần phải hiểu về nguyên lý kỹ thuật của đường ống thông gió WC của nhà chung cư. Vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết, Kỹ sư Nguyễn Văn Đực – Chủ tịch Công ty Địa ốc Xanh (Chủ đầu tư của nhiều chung cư như Thái An 1, 2..) đánh giá: “Hệ thống WC các căn hộ chung cư thường được liên thông theo trục dọc từ tầng 1 tới tầng cao nhất. Các WC sẽ có hệ thống đường ống nước thải được đấu chung cùng nhau. Sau đó dẫn vào chung theo 1 trục dọc để thải xuống các hầm chứa hoặc hệ thống xử lý nước thải ở dưới đất. Hệ thống đường ống này được các chủ đầu tư chứa trong hộp kỹ thuật (gọi là hộp Gain). Các WC từng căn hộ đều được lắp đặt một quạt hút mùi để đẩy không khí thải vào hộp Gain này. Như vậy có thể hiểu là tất cả những khí, mùi trong WC đều được hút vào hộp Gain khi mở quạt hút gió, còn nước thải thì sẽ theo đường ống đi xuống”.
“Trường hợp chúng ta không mở quạt hút này, thì không loại trừ khả năng khí, mùi từ nhà tầng dưới có thể từ hộp Gain tràn vào nhà tầng trên theo trục dọc”, Kỹ sư Đực phân tích.
Tuy vậy, hiện hộp Gain tại đa số các toà nhà chung cư tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đều đã được các chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quạt hút 1 chiều. Anh N.K Trưởng phòng kỹ thuật của Tập đoàn bất động sản trụ sở tại Quận 10 cho biết: “Hiện nay, các hộp Gain của các chung cư đều được chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quạt hút van 1 chiều, quạt hút này hoạt động 24/24. Tức là sẽ hút tất cả không khí trong hộp Gen đi ra ngoài trời”.
Ngoài ra, chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn kết, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Giang Ngọc Huấn, Đại học Kiến trúc TP HCM nhận định: “Hệ thống đường ống của WC chung cư được liên thông theo trục dọc, dù mùi được hút vào hộp Gain sau đó được hút từ hộp Gain ra ngoài không khí. Tuy nhiên, trong các đường ống dẫn nước vẫn có không khí. Do vậy, đối với chỗ thải đường nước của WC người dân luôn phải có phểu bít lại, tốt nhất là luôn có một ít nước ở phểu này, để tránh không khí từ các ống dẫn nước có thể tràn ngược vào, chưa bàn tới lây bệnh thì cũng gây mùi hôi khó chịu”.
Dù chưa có nghiên cứu khoa học nào để chứng minh Covid-19 có thể lây qua đường thông gió trong WC chung cư, nhưng các chuyên gia về kỹ thuật xây dựng, chuyên gia y tế đều không loại bỏ khả năng lây nhiễm dịch bệnh qua đường ống này.
Thực tế nhiều Ban quản lý nhà chung cư tại TP HCM cũng đã khuyến cáo người dân cẩn thận hơn trong mùa dịch Covid-19 đang bùng phát. Chẳng hạn như đơn vị quản lý chung cư Saigon Pearl gửi văn bản cảnh báo đến cư dân, qua đó khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, khuyến nghị cư dân luôn đóng cửa nhà vệ sinh khi không sử dụng, nên mở quạt hút nhà vệ sinh từ 5-10 phút trước khi vào nhà vệ sinh.
Ban quản lý chung cư Richmond City (Phường 26, quận Bình Thạnh) cũng có động thái phòng ngừa. Chung cư này đang cho vận hành hệ thống quạt hút trục phòng rác, bếp và WC các tầng liên tục 24/24, để luôn tạo ra áp lực âm hút không khí vào các hộp kỹ thuật ra ngoài trời.
Những phân tích trên chỉ lý giải một phần cơ chế hoạt động của không khí trong WC căn hộ chung cư theo trục dọc. Vì với căn hộ chung cư, dù thiết kế bao gồm các căn hộ có tính riêng tư nhưng vẫn có nhiều không gian chung khác như sảnh, hành lang, thang máy…nên còn nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua hệ thống điều hòa không khí – thông gió ở những khu vực sử dụng chung này, trong bài viết chưa bàn tới.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với các không gian sử dụng chung tại chung cư như: không gian sảnh chính, sảnh tầng, hành lang tầng, thang máy, thiết kế chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với cách tổ chức hồi khí và tận dụng khí xả để tiết kiệm năng lượng thì nguy cơ lây nhiễm và lan truyền dịch bệnh là không loại trừ.
“Virus có thể bay vào các căn hộ liền kề hoặc đối diện nhau có chung không gian thông gió ở hành lang. Do đó, các cửa chính ra hành lang chung cư, cửa thông gió ở hành lang, cửa sổ có hướng quay ra hành lang hoặc nhìn thẳng sang căn hộ đối diện cần đóng chặt”, bác sỹ Hùng khuyến cáo.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn người dân cần phải thực hiên nghiêm yêu cầu 5k của Bộ Y tế để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.