Mới đây, bằng Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức bãi bỏ một số quy định trong tuyển dụng viên chức, công chức tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Với nhiều điểm được cho là đột phá, quyết định nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh. Nhưng, cũng không ít người cho rằng, việc bãi bỏ đó là khá chậm.
Cơ hội tìm kiếm việc làm tại TP HCM cho giới trẻ đã rộng mở hơn.
Theo Quyết định số 43/2017 thì từ ngày 1/11/2017, TP HCM bỏ yêu cầu bản sao hộ khẩu thường trú trong hồ sơ dự tuyển viên chức. Đáng chú ý, quyết định nêu rõ, người lao động không có học hàm giáo sư, phó giáo sư, bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc vẫn có thể ứng tuyển nếu đáp ứng đủ tiêu chí được nhà tuyển dụng đưa ra.
Thêm vào đó, UBND TP HCM cũng hủy điều kiện có hộ khẩu thường trú tại thành phố khi tuyển dụng công chức. Hồ sơ ứng viên không cần có bản sao giấy khai sinh và hộ khẩu thường trú tại TP HCM.
Đây được coi là quyết định “thực người, thực việc”, nhắm đến yêu cầu thực tế và thực chất chứ không phụ thuộc quá nhiều vào các điều kiện thủ tục hồ sơ nặng tính hành chính như cách làm bấy lâu nay vẫn coi là đương nhiên. Đầu tiên là việc liên quan đến giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú. Giấy khai sinh phải nộp trong hồ sơ (bản sao đi chăng nữa) thì trên thực tế cũng không tác động gì nhiều đến việc tuyển dụng hay không tuyển dụng. Vì chẳng lẽ người sinh ra không phải tại TP HCM thì không phải là công dân, không thể kiếm được việc tại thành phố này.
Tương tự, nhưng quan trọng hơn đó là hộ khẩu thường trú. Hộ khẩu thường trú là giấy tờ pháp lý xác nhận người nào đó ở đâu, chịu sự kiểm soát cũng như có trách nhiệm, nghĩa vụ với một địa phương nào đó.
Chính từ quan niệm phải có hộ khẩu thường trú chính nơi mình muốn xin việc nên biết bao người dù đã đáp ứng được hầu hết các điều kiện theo quy định cũng phải phải ngậm ngùi chào thua, không thể nào đi nơi khác làm việc được. Việc chuyển hộ khẩu, nhập hộ khẩu một thời (và cho đến tận bây giờ vẫn tồn tại) đã khiến nhiều người điêu đứng. Từ đó mới có chuyện chạy chọt nhờ vả để có được hộ khẩu tại nơi mình muốn xin việc, hoặc đã xin được việc.
TP HCM cũng như các đô thị lớn khác, vừa là trung tâm thu hút và cũng là tâm điểm lan tỏa. Người các nơi khác tìm đến TP HCM để làm ăn, sinh sống là chuyện bình thường. Vì rằng tại đó có nhiều cơ hội phát triển hơn, các thế hệ con cháu họ cũng từ đó mà phát triển tốt hơn. Nhưng nếu cứ khư khư nguyên tắc phải có hộ khẩu thường trú thì làm sao người có nhu cầu có được cơ hội nhập cư.
Trên thực tế, TP HCM hay Hà Nội cũng vậy đã trở thành những đô thị có số người từ các địa phương khác đến đông hơn nhiều lần người gốc thành phố. Đó cũng là lẽ tự nhiên của quá trình phát triển đô thị. Những người nhập cư tới thành phố để tìm kiếm cơ hội và chính họ cũng là nguồn nhân lực quan trọng xây dựng và phát triển thành phố.
Việc đòi hỏi phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố mới được tuyển dụng vào một vị trí nào đó trên thực tế cũng chỉ là cách quản lý hành chính máy móc, lạc hậu, làm khó dân, từ đó phát sinh tiêu cực. Khó quản lý thì đẻ ra các quy định hành chính, đó là cách làm dễ nhất. Nhưng điều đó cũng không thể nào ngăn được dòng người nhập cư vào thành phố vì đó cũng chính là nhu cầu của cả hai phía.
Trong khi cơ quan chính quyền vẫn giữ quy định hộ khẩu thì với các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh... đã mặc nhiên bãi bỏ từ lâu. Vì rằng nếu áp dụng “chế độ hộ khẩu thường trú” cũng đồng nghĩa với việc họ tự trói chân tay mình, khi mà nguồn nhân lực tại chỗ vừa thiếu lại vừa không đáp ứng được đòi hỏi của công việc.
Cũng không phải họ “xé rào”, “đột phá” gì, mà cách làm của họ cũng chỉ là thuận theo tự nhiên. Do đó, nếu cứ giữ “chế độ hộ khẩu” cũng có nghĩa là trái tự nhiên. Việc UBND TP HCM quyết định bãi bỏ điều kiện có hộ khẩu thường trú tại thành phố khi tuyển dụng công chức cũng chính là thuận theo lẽ tự nhiên, tuy rằng muộn màng.
Ở lĩnh vực này, thực sự thì tư duy của nhà quản lý đã thua tư duy người dân. Vì rằng trên địa bàn dân cư, người nhập cư vẫn được “người tại chỗ” tôn trọng; cởi mở trong giao tiếp, một cách tự nhiên đã trở thành hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, không phân biệt anh từ đâu tới.
Một vấn đề cũng rất quan trọng nữa chính là người lao động không có học hàm giáo sư, phó giáo sư, bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc vẫn có thể ứng tuyển viên chức. Bằng cấp chứng minh trình độ học vấn của người đó, cũng là cần thiết. Nhưng bằng cấp cũng không phải là xác tín về năng lực làm việc của con người.
Không phải ai có học hàm, học vị cũng giỏi cả, cũng làm quản lý tốt cả. Ngược lại, không phải người không có học hàm học vị, không có tấm bằng cử nhân loại xuất sắc thì đều kém cỏi. Nói tóm lại, học hàm học vị hay chứng chỉ tốt nghiệp cũng chỉ là để tham khảo bước đầu, không đủ để xác quyết từ đó sẽ có nguồn lao động tốt, cán bộ quản lý giỏi.
Tiếc thay, cho tới tận bây giờ, “chủ nghĩa bằng cấp” vẫn đè nặng. Tâm lý chạy theo bằng cấp vẫn phổ biến trong xã hội. Ai cũng hiểu học được nhiều là tốt, nhưng nào phải chỉ có môi trường học đường mới là nơi học tập. Cùng với môi trường học đường, con người tiếp thu kiến thức, rèn luyện mình, trưởng thành lên (hoặc thoái hóa đi) trong hoàn cảnh xã hội anh ta sống. Đó chính là quá trình tự tiếp thu, tự hoàn thiện, sẽ sâu rễ bền gốc hơn việc tiếp thu thụ động trong nhà trường rất nhiều.
Việc không coi bằng cấp đào tạo như một điều kiện cần thiết khi tuyển dụng và sử dụng công chức, viên chức chính là thực người, thực việc. Cách nhìn nhận tiệm cận với thực tế, gần theo lẽ tự nhiên sẽ điều chỉnh được quan niệm mang tính hình thức trong xã hội. Điều đó đem đến niềm hy vọng cho nhiều người, chí ít là họ không phải bị áp lực của quá nhiều điều kiện trói buộc.
Vì thế, việc UBND TP HCM bãi bỏ một số quy định trong tuyển dụng công chức, viên chức- trong đó có điều kiện hộ khẩu thường trú và học hàm học vị, bằng cấp đại học loại giỏi- là rất hợp lẽ. Thế nên mới nói: Muộn còn hơn không!