Tết là dịp người tiêu dùng mua và sử dụng thực phẩm nhiều hơn hẳn so với các dịp khác trong năm. Tuy nhiên, thời điểm này cùng với các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, có không ít đối tượng lợi dụng nhu cầu thực phẩm tăng để trà trộn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Thu giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc
Càng đến gần Tết Nguyên đán, số vụ thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc bị phát hiện, bắt giữ càng nhiều. Ngày 12/1, Công an huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La phát hiện, thu giữ hàng nghìn hộp mứt tết không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Tang vật thu giữ là 940 hộp mứt tết ghi nhãn hiệu “Cơ sở mứt kẹo Ngọc Diệp, địa chỉ Hoàn Kiếm, Hà Nội”. Căn cứ vào lời khai của lái xe Phạm Lưu Huỳnh, Công an huyện Mai Sơn chủ trì, công an huyện Sông Mã phối hợp tiến hành kiểm tra, xác minh tại cửa hàng tạp hóa “Nam Ngát” do ông Luyện Văn Nam làm chủ, trú tại bản Khương Tiên, xã Chiềng Khương, Sông Mã. Tang vật thu giữ tại xưởng sản xuất là 797 hộp bánh mứt kẹo đã được đóng hộp thành phẩm; 430 kg bánh, kẹo, mứt rời chưa kịp đóng hộp thành phẩm (khoảng 4.000 hộp mứt tết); gần 10.000 phôi vỏ, bìa hộp mứt tết chưa đóng hộp thành phẩm… Hiện vụ việc đang được Công an huyện Mai Sơn tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 9/1, Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang phát hiện, bắt giữ xe ô tô chở 2 tấn chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra đã phát hiện 2 tấn chân gà đã chế biến. Lái xe điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng minh rõ nguồn gốc của số chân gà trên. Hiện, lực lượng chức năng đã thu giữ số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng trong ngày 9/1, Công an Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ 1 tấn nầm lợn (được cất giấu trong 35 bao tải, bên ngoài in chữ nước ngoài) trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối đang trên đường vận chuyển đi các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, khoảng giữa tháng 12/2022, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra chiếc xe tải đã phát hiện hơn 1,8 tấn nầm, nội tạng động vật đang trong quá trình phân hủy được tuồn về Hà Nội nhằm phục vụ các quán lẩu nướng. Tương tự, Phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn (lên tới hơn 90 tấn hàng) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng với giá bán hàng chục triệu đồng cho một sản phẩm, như: Đùi lợn muối Tây Ban Nha, dê muối nguyên con… Các sản phẩm này đều không đủ điều kiện bán ra thị trường, bởi có xuất xứ từ nước ngoài và trong tình trạng "3 không": Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Nhìn bằng mắt thường, khó phát hiện ra đây là thực phẩm bẩn nhưng trên tem mác cho thấy nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ 1 đến gần 2 năm.
Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ hơn 4 tấn thực phẩm các loại. Các thực phẩm bị bắt giữ chủ yếu gồm: Bánh kẹo, sữa, hạt hướng dương, chân gà, cánh gà, nội tạng động vật, các loại hải sản, giò, chả, thực phẩm đông lạnh... đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhiều loại thực phẩm đã biến đổi màu, bốc mùi hôi thối. Tất cả các loại hàng hóa trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì đều in chữ nước ngoài.
Ngày 16/12, Công an TP Biên Hòa phối hợp Chi cục Thú y Đồng Nai đồng loạt kiểm tra các kho hàng của Công ty TNHH Thực phẩm Long Phát tại phường Tân Hiệp và phường Phước Tân. Lực lượng chức năng phát hiện trên 25 tấn sản phẩm gồm thịt gà, bò, các loại nội tạng động vật... đều không có tem nhãn, giấy chứng nhận hợp chuẩn hợp quy. Trong đó, nhiều loại bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Khai với cảnh sát, chủ lô thực phẩm cho biết công ty mua về để bán cho các nhà hàng, quán ăn ở Biên Hòa và các vùng lân cận, việc mua bán chủ yếu thông qua mạng xã hội…
Vì sao khó xử lý tận gốc?
Thực tế cho thấy, vào mỗi dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng. Do vậy, các đối tượng thường thu mua thực phẩm từ nhiều nguồn không xác định, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ, đưa về các tỉnh, thành phố lớn để tiêu thụ. Mặt khác, lợi nhuận thu được cũng rất cao nên việc ngăn chặn càng khó. Nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật và các sản phẩm hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đáng nói, tình trạng này tái diễn hằng năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý tận gốc.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: Nhiều khi người tiêu dùng tiếp tay cho thực phẩm bẩn bởi ham mua giá rẻ. Nhưng để ngăn chặn thực phẩm bẩn phải tăng cường xử lý vi phạm từ “đầu nguồn”. Do đó, ngành chức năng cần mạnh tay với những người kinh doanh thực phẩm bẩn. Cụ thể pháp luật cần có hình phạt đủ sức răn đe, bởi thực phẩm bẩn gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người nhưng đa số mới chỉ phạt hành chính.
Về những vi phạm trong quá trình sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, theo ông Thân Đức Công - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chủ yếu tập trung vào quá trình vận chuyển, sản xuất, bảo quản thực phẩm; việc sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm; sử dụng chất cấm, không rõ nguồn gốc; nhân viên sản xuất chưa được đào tạo, tập huấn bài bản. Bên cạnh đó, với xu hướng đặt hàng online, người dân thích đặt đồ ăn hơn. Tuy nhiên, công đoạn nhập nguyên liệu, chế biến,… của các cơ sở kinh doanh ăn uống thì khách hàng không thể kiểm soát được.
Ông Công cũng cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong việc quản lý, xử phạt trong lĩnh vực an toàn vệ thực phẩm. Lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra, giám sát; thành lập các tổ chuyên trách theo dõi vấn đề an toàn thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh đó phối hợp với các ban, ngành liên quan để quản lý, xử lý vi phạm.
Ở góc nhìn pháp lý, hệ thống pháp luật hiện nay về an toàn thực phẩm là tương đối hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện cũng như kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đã phân công được trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo luật sư Trần Thị Thanh Lam - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hệ thống pháp luật còn xuất hiện một số tồn tại chưa được giải quyết triệt để như: Khó khăn trong quá trình áp dụng vì có quá nhiều văn bản pháp luật cùng quy định về một vấn đề; có sự chồng chéo giữa các quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau; tính áp dụng trên thực tế của các văn bản chưa cao; còn nhiều mặt hàng chưa có quy định cụ thể về quy chuẩn an toàn thực phẩm…
Cần sự đồng hành của người dân
Hiện các địa phương trên cả nước đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán cũng như mùa lễ hội Xuân 2023. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ mở những đợt cao điểm hoặc tập trung vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hay tháng tết thì chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng kinh doanh, buôn bán và vận chuyển thực phẩm bẩn đi tiêu thụ. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Thậm chí, xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhằm ngăn chặn triệt để thực phẩm bẩn.
Góp tiếng nói từ địa phương, ông Nguyễn Đình Minh - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh vai trò của người dân. Theo ông Minh, hiện nay, công tác quản lý về an toàn thực phẩm có sự phối hợp, tham gia giám sát, kiểm tra của 3 ngành Y tế - Công thương và Nông nghiệp phát triển nông thôn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số bất cập. Nguyên nhân là do một số quy định pháp luật còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ, quá trình triển khai thực hiện đôi khi còn chồng chéo, chưa thật chặt chẽ; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt là tuyến huyện và xã chưa cao nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. “Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn của cơ quan chức năng, rất cần sự đồng hành của người dân. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân nên báo với cơ quan có thẩm quyền thì các vi phạm mới được giải quyết kịp thời. Đây vừa là biện pháp răn đe, vừa là hình thức ngăn chặn thực phẩm bẩn hiệu quả, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng”, ông Minh kiến nghị.
Dù vậy, để giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, luật sư Trần Thị Thanh Lam nhấn mạnh, cần sự đồng bộ từ 3 phía giải pháp: Cơ chế - Chính sách; Kinh tế - Xã hội; Khoa học - Công nghệ cũng như hành động từ phía nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng.
Về quy định của Bộ luật Hình sự, người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn trong trường hợp được xác định là thực phẩm giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn có thể phạm vào tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam: Hậu quả khôn lường từ thực phẩm không rõ nguồn gốc
Thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân lý, hóa, sinh học, nếu được tiêu thụ sẽ gây hại cho cơ thể. Tác động tức thời có thể gây ra ngộ độc thực phẩm từ nhẹ cho đến nặng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy... Nguy hiểm hơn là sự tích lũy lâu dài của các độc tố trong thực phẩm bẩn gây nên những hậu quả mãn tính mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, nguy hiểm nhất là ung thư. Thực phẩm bẩn là một trong những thủ phạm liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có mối liên quan tới thực phẩm bẩn. Ung thư đại trực tràng xếp hàng thứ 5 sau ung thư phổi, dạ dày, gan, ung thư vú.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, đoàn Luật sư TP Hà Nội: Cần kiên quyết đấu tranh
Hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn phải được coi là tội ác khi nó trực tiếp hủy hoại sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với thực phẩm bẩn để có được môi trường sống an toàn hơn. Nguyên nhân đầu tiên, đó là lực lượng thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý hoạt động sản xuất buôn bán thực phẩm còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nhất là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM càng khó để kiểm soát hết hoạt động kinh doanh thực phẩm diễn ra hằng ngày, từ nhà hàng, quán ăn đến chợ cóc, chợ tạm. Việc xử lý, đấu tranh với thực phẩm bẩn ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Một nguyên nhân khác, người tiêu dùng hiện nay còn khá dễ tính khi lựa chọn sử dụng thực phẩm. Nhiều người không quá quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, các yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của thực phẩm mà mình sử dụng. Do đó, để đấu tranh với thực phẩm bẩn cần có sự chung tay của cả cộng đồng, cả cơ quan quản lý và từ phía người dân.