Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/4, người đứng đầu Nhà trắng công bố, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, trong đó mức thuế đối ứng áp cho Việt Nam là 46%. Mức thuế đối ứng này đánh vào hàng Việt Nam xuất khẩu đến Mỹ được coi là rất cao, cao hơn khá nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, nhất là với các lĩnh vực đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất, nông sản, gỗ... Còn đối với các doanh nghiệp (DN) công nghệ, họ nhận định sẽ bị ảnh hưởng không nhiều đối với chính sách thuế mới của Mỹ.
Theo đại diện Công ty cổ phần FPT, chính sách thuế của Mỹ nhắm đến danh mục hàng hóa nhằm bảo hộ nền công nghiệp sản xuất của Mỹ như may mặc, linh kiện điện tử, da giày... nhóm ngành dịch vụ không nằm trong danh mục bị áp thuế. Đặc biệt, dịch vụ công nghệ thông tin cũng sẽ không phải là lĩnh vực cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ. Bản thân các DN Mỹ thường lựa chọn dịch vụ thuê ngoài công nghệ thông tin để đảm bảo tối ưu chi phí. Do đó, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách áp thuế của Mỹ mà chủ yếu tác động đến các DN công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Tào Đức Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thì cho biết, trước mắt chính sách thuế mới của Mỹ chưa ảnh hưởng gì đến Viettel. Tuy nhiên, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này bởi Viettel là một tập đoàn lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, và sản xuất thiết bị điện tử. Mức độ ảnh hưởng của thuế đối ứng này đến Viettel phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm bị ảnh hưởng của Viettel sang thị trường Mỹ. Hiện tại, Viettel đang đánh giá chi tiết về các mặt hàng cụ thể của Viettel bị ảnh hưởng để có thể đánh giá chính xác mức độ tác động.
Ông Trần Hữu Quyền - Chủ tịch Công ty Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông VNPT cũng cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đối với các DN công nghệ Việt Nam. Chính sách thuể tác động chủ yếu đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Samsung, LG, Intel... bởi đây là những DN xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ. “Việc Mỹ áp thuế mới đối với Việt Nam đã được cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chờ đợi Chính phủ Việt Nam có những đàm phán song phương với Mỹ. Những “đại bàng” công nghệ đến Việt Nam đã tạo nên luồng gió mới cho Việt Nam. Nhưng để phát triển bền vững chúng ta vẫn phải dựa vào các DN trong nước. Về mặt vĩ mô, Đảng và Chính phủ đã rất quyết liệt như Nghị quyết 57 của Đảng và Nghị quyết 103 của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ cũng đã chuẩn bị cho Việt Nam sự phát triển bền vững trên tinh thần tự lực” - ông Quyền nói.
Còn theo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), chính sách thuế đối ứng của Mỹ đều có tác động khác nhau đến các ngành kinh doanh sản xuất của các DN Việt Nam. Một số ngành như vật liệu xây dựng (trừ Công ty Cổ phần Phú Tài - PTB), hóa chất (trừ Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng - DRC) còn được hưởng lợi từ việc giảm thuế, trong khi các ngành như dệt may, chứng khoán và một số DN thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các ngành ngân hàng (trừ một số ngân hàng đẩy mạnh nguồn tín dụng FDI có thể đối mặt với thách thức ngắn hạn trong mở rộng cho vay), ô tô, dầu khí, điện, nước, bán lẻ... sẽ bị ảnh hưởng trung lập và gián tiếp. Tuy nhiên, VCBS cũng nhận định các DN công nghệ Việt Nam phần lớn không bị ảnh hưởng hoặc chỉ chịu tác động nhẹ.