Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP HCM đề nghị xây dựng khung pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn sử dụng dịch vụ Airbnb.
Triển vọng tăng trưởng “nóng”
Airbnb là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng (chủ nhà/ chủ phòng trọ/ căn hộ/ villas) cho thuê với người thuê phòng (đi du lịch/ công tác) cần tìm chỗ lưu trú, kể cả ngắn ngày hay dài ngày thông qua một ứng dụng di động.
Theo báo cáo khảo sát năm 2019 của Grant Thornton, mô hình dịch vụ chia sẻ phòng thuê Airbnb đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, với khoảng 30.000 căn hộ đang cho thuê.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, thuê nhà theo hình thức “chia sẻ phòng thuê” có thời hạn cho thuê ngắn, trong đó có cho thuê căn hộ chung cư, là phương thức cho thuê nhà mới, sử dụng dịch vụ), phù hợp với “nền kinh tế chia sẻ”.
“Phương thức này chắc chắn sẽ còn phát triển rất mạnh trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số”, HoREA khẳng định.
Dịch vụ Airbnb được sử dụng phổ biến trên rất nhiều nước, nên việc sử dụng dịch vụ này ở Việt Nam có tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú.
Sử dụng dịch vụ Airbnb thì bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà thuê, thanh toán tiền thuê nhà đều qua mạng, không cần phải gặp trực tiếp.
Ngoài ra, phương thức “chia sẻ phòng thuê” thông qua sử dụng dịch vụ Airbnb giúp khai thác hiệu quả tài sản nhà ở, nhất là các phòng ở dôi dư, hoặc các căn hộ trong các khu vực có nhiều khách vãng lai, khách du lịch.
Cần sửa luật
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, ngay từ năm 2018 tổ chức này đã báo cáo Bộ Xây dựng về phương thức kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1 - 2 tuần…) dưới hình thức “chia sẻ phòng thuê”, sử dụng dịch vụ Airbnb mà luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh Bất động sản 2014 chưa tiên lượng, nên chưa có khung pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho thuê nhà này.
Vì vậy, hiện tại hình thức này vẫn còn những mặt hạn chế, tiêu cực như chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức “chia sẻ phòng thuê” thông qua sử dụng dịch vụ Airbnb, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê qua dịch vụ Airbnb để hoạt động tội phạm.
HoREA phân tích, Luật Nhà ở 2014 cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong dự án. Điểm mâu thuẫn là luật này vẫn thừa nhận quyền được cho thuê của chủ nhà nhưng việc đăng ký kinh doanh lại vướng quy định không cho phép đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư.
Nghiên cứu thực tiễn tại các nước phát triển mô hình kinh doanh này cho thấy, người cho thuê nhà theo phương thức chia sẻ phòng thuê Airbnb phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế.
Họ chỉ được cho thuê nhà trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, theo thỏa thuận với chính quyền địa phương hoặc với cư dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào cho mô hình kinh doanh này.
Vì vậy, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1-2 tuần...), là hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, có thể cân nhắc bổ sung quy định người thuê chung cư để kinh doanh dịch vụ Airbnb đóng góp bổ sung kinh phí vận hành nhà chung cư nếu làm tăng thêm gánh nặng cho việc quản lý vận hành.
"Việc chuẩn bị hành lang pháp lý đầy đủ cho mô hình kinh doanh Airbnb vừa có thể giải quyết được bài toán quản lý tốt thị trường dịch vụ còn mới mẻ, vừa mang lại nguồn thu ngân sách", ông Châu nhấn mạnh.