Căng thẳng thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, khi mức thuế quan 84% của Bắc Kinh có hiệu lực chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm dừng thuế quan mạnh đối với hàng chục quốc gia ngoại trừ Trung Quốc.
Sau giai đoạn biến động nhất trên thị trường tài chính kể từ đại dịch Covid-19, thị trường đã phục hồi sau tuyên bố tạm dừng đột ngột của Tổng thống Trump. Cổ phiếu Đài Loan (Trung Quốc) tăng vọt 9,2% trong phiên giao dịch đầu ngày 10/4. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 7,2%, trong khi tại Seoul, chỉ số Kospi tăng hơn 5%. Tại Australia, chỉ số ASX 200 tăng hơn 6%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 2,69%, trong khi chỉ số tổng hợp Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1,29%.
Trước đó ngày 9/4, trên Phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng vọt và đóng cửa cao hơn gần 8%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 12,2% trong ngày tốt nhất trong 24 năm, sau thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng.
Tuy nhiên, thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc hiện là 125% và Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng". Một bài xã luận của tờ China Daily được xuất bản vào tối 9/4 cho biết, "Bắc Kinh không thể nhượng bộ trước áp lực của Mỹ".
Bắc Kinh cho biết, họ sẽ áp đặt mức thuế 84% đối với các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ từ giữa trưa ngày 10/4 (theo giờ địa phương), đưa 18 công ty Mỹ vào danh sách hạn chế thương mại và đưa ra các biện pháp đối phó khác.
Động thái này diễn ra sau thông báo "Ngày giải phóng" của Tổng thống Trump về chế độ thuế quan toàn cầu, trong đó tăng thêm mức thuế 34% vào mức 20% đã áp dụng đối với Trung Quốc, nâng tổng mức thuế lên 54%, khiến Bắc Kinh phải công bố mức thuế quan có đi có lại là 34%, nâng tổng mức thuế lên 84%.
Tổng thống Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc phải rút lại mức thuế này nếu không ông sẽ đáp trả nhưng Trung Quốc đã từ chối và hai bên đã bắt đầu một loạt các đợt tăng thuế qua lại. Tổng thống Trump đã đánh thuế 104% rồi 125% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và giữ nguyên mức thuế này trong khi tuyên bố hoãn thuế ở nơi khác.
Theo người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweal, một cuộc chiến thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cắt giảm 80% thương mại hàng hóa giữa hai nước. Với việc hai gã khổng lồ kinh tế chiếm 3% thương mại thế giới, cuộc xung đột này có thể "gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu".
Người đứng đầu hiệp hội thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc cho biết, các công ty Trung Quốc bán sản phẩm trên Amazon đang chuẩn bị tăng giá cho Mỹ hoặc rời khỏi thị trường này vì "đòn giáng chưa từng có" từ thuế quan.
Các chính phủ trên thế giới đang phải đối mặt với mức thuế xuất khẩu cao hơn đã hoan nghênh sự tạm dừng của Tổng thống Trump, nhưng nhiều chính phủ vẫn bị ảnh hưởng bởi thuế quan theo ngành.
"Chúng tôi đã tiếp nhận thông báo mới nhất của Mỹ một cách tích cực. Chúng tôi tiếp tục yêu cầu Mỹ xem xét lại các biện pháp về thuế quan có đi có lại, thuế quan đối với thép và nhôm và thuế quan đối với xe cộ và phụ tùng ô tô", người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, Yoshimasa Hayashi, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU đã phê duyệt mức thuế trả đũa 25% có hiệu lực vào tuần tới đối với hàng hóa của Mỹ lên tới 23 tỷ USD - nhắm vào nông sản và sản phẩm từ Mỹ - để đáp trả mức thuế quan toàn diện đối với thép và nhôm do Tổng thống Trump áp dụng vào tháng trước.