Kinh tế

Thuế quan Mỹ - Việt hạ nhiệt: Mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước

Hồ Hương 03/07/2025 18:19

Kết quả về đàm phán thuế quan với Mỹ thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), giới đầu tư và các nhà phân tích. Chi tiết cụ thể mức thuế đối với các ngành, hàng hoá dù chưa được công bố song động thái này đồng thời đã gỡ bỏ tâm lý thấp thỏm trong cộng đồng DN.

Tín hiệu tích cực

Ngay sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/7, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social về việc Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được “Thỏa thuận thương mại” khung, theo đó hầu hết hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu thuế suất 20%, còn hàng trung chuyển từ nước thứ ba qua Việt Nam chịu thuế 40%. Đổi lại, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa Mỹ, trong đó có ô tô động cơ lớn, với mức thuế nhập khẩu 0%.

Tàu The Momentum của Hòa Phát
Tàu hàng rời The Momentum tải trọng 110.000 DWT của Hoà Phát phục vụ chiến lược mở rộng đội tàu vận tải biển. Ảnh CTV.

Thông tin về thuế quan này được đưa ra chỉ vài ngày trước hạn chót 9/7, khi Tổng thống Trump có thể tái áp thuế cao hơn với hàng chục quốc gia. Đáng lưu ý, Việt Nam được nhìn nhận là một trong những quốc gia đã “ chốt deal” ( hoàn tất – PV) sớm mức thuế, trong khi các quốc gia khác vẫn đang trong tiến trình đàm phán. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng như giới quan sát đã cho rằng, gánh nặng tâm lý đã dần được gỡ, với mức thuế quan “ chốt” đã nằm trong các kịch bản dự báo của phía Việt Nam cũng xem như là thắng lợi ban đầu.

Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá, mức thuế 20% là chấp nhận được, dù cao hơn kỳ vọng cá nhân ông là 10 - 15%.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu Mỹ áp các mức thuế quan khác nhau theo tỷ lệ nội địa hoá thì sẽ là tin tích cực đối với mục tiêu tăng trưởng hai con số. Với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu sẽ phải tìm cách tăng tỷ lệ nội địa hoá như phát triển công nghiệp phụ trợ và nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam để tránh thuế cao.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta chia sẻ, khung thuế quan từ 10-20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là dấu hiệu tích cực, mặc dù nó vẫn cao hơn so với kỳ vọng trước đó là 10-15%. Do đó, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn có thể cao hơn các nước trong khu vực song cần chờ quan sát thêm mức thuế cụ thể cho từng quốc gia.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Trần Khắc Tâm – Phó chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội DN Đồng bằng Sông Cửu Long phân tích: Ngày 2/4 căng thẳng thuế quan bắt đầu trên toàn cầu, trong đó mức thuế đối ứng được đưa ra với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là 46%. Sau đó, mức thuế này được tạm hoãn trong 90 ngày và đây có thể coi là thời gian vàng để tái định hình lại kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Với những thông tin được phát đi từ mạng xã hội của Tổng thống Mỹ, thỏa thuận khung thuế 20% - 40% là đã giảm so với bộ khung thời điểm 2/4/2025. Bởi khi có con số thuế cụ thể, cộng đồng DN hoạch định được kịch bản sản xuất của mình, cùng với đó là các kế hoạch ứng phó cũng sẽ được gấp rút triển khai từ phía cơ quan quản lý.

“Dù vẫn chưa có mức áp dụng cụ thể và quy định chịu thuế chi tiết cho từng ngành hàng nhưng trong thông điệp này của Tổng thống Trump, giới kinh doanh đã nhận thấy tín hiệu tích cực cho hàng hóa Việt Nam”, ông Tâm nhấn mạnh.

img_3353.jpeg
Doanh nghiệp chủ động truy xuất nguồn gốc. Ảnh. Quang Vinh.

Song ông Trần Khắc Tâm cũng lưu ý, mức thuế 40% dành cho hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam là vấn đề cần làm rất rõ trên nhiều khái niệm và tỷ lệ như thế nào? Đến thời điểm hiện tại chi tiết về danh mục hàng áp thuế 20% hay 40% hiện vẫn chưa rõ ràng nên cũng chưa thể bình luận sâu. Cũng cần nói thêm rằng, các tác động về kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ xoay quanh mức thuế quan này chưa thể đánh giá cụ thể vì còn phải đặt trong tương quan thuế suất của các quốc gia khác. Song vấn đề nguyên tắc xuất xứ hay khái niệm hàng hóa trung chuyển cần được quan tâm hàng đầu. 6 tháng còn lại của năm kinh tế 2025 buộc DN tăng tốc sản xuất, xuất khẩu nhưng song hành với đó DN cũng cần có cơ chế kiểm soát xuất xứ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, cộng đồng DN hy vọng Chính phủ sẽ có thêm các kênh thông tin chính thức, đầy đủ, nhanh chóng, cập nhật diễn biến thuế quan cụ thể để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Dự báo hàng Mỹ sẽ vào Việt Nam nhiều

anhkhuyenmai.jpg
Hàng hoá nông sản phong phú. Ảnh: H.T.

Trong tuyên bố hôm 2/7, Tổng thống Trump cũng cho biết sẽ đàm phán để hàng hóa Mỹ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến xe điện và xe xăng.

Theo Cục Thống kê Mỹ, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng từ dưới 50 tỷ USD năm 2018 lên khoảng 137 tỷ USD năm 2024, trong khi Mỹ chỉ xuất sang Việt Nam 13,1 tỷ USD năm ngoái.

Thực tế, những năm qua, các tập đoàn, DN lớn của Việt Nam đã nhập khẩu rất lớn các sản phẩm từ Mỹ như máy bay, máy móc, trang thiết bị, turbin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU, nguyên nhiên vật liệu, trị giá lên tới nhiều tỷ USD.

Giữa tháng 3, trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên - Đặc phái viên của Thủ tướng tại Washington, nhiều thỏa thuận hợp tác trong kinh tế - thương mại giữa DN hai nước đã được ký kết. Đây là những hợp tác quan trọng với tổng giá trị 4,15 tỷ USD nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Trước đó, hai bên cũng đã ký các hợp đồng khác trị giá 50,15 tỷ USD tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu. Các bên cũng đàm phán, dự kiến ký kết trong thời gian tới các hợp đồng, thỏa thuận trị giá khoảng 36 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các DN hai nước dự kiến triển khai trong giai đoạn từ năm 2025 khoảng 90,3 tỷ USD.

Giới phân tích đánh giá, hai nền kinh tế có tính bổ trợ, theo thời gian hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Do vậy rất cần thiết có các thông báo về thuế quan tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc hợp tác, mua bán các sản phẩm thiết yếu, bổ sung nhu cầu hàng hóa của nhau.

500 container Hòa Phát đầu tiên đã được bàn giao cho đối tác hàng đầu thế giới trong ngành
Thương mại 2 quốc gia tăng trưởng. Ảnh: CTV.

Cần xây dựng chính sách công nghiệp hiện đại

Theo nhiều chuyên gia, năm 2025 đối diện nhiều thách thức nhưng cũng mở ra tiềm năng cho ngành sản xuất và dịch vụ Việt Nam. Dù bối cảnh toàn cầu còn bất ổn, sự kiên cường và linh hoạt của DN Việt vẫn là điểm sáng. Với chiến lược đúng đắn và tận dụng thế mạnh nội tại, chúng ta có thể biến khó khăn thành cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới bền vững.

Giới chuyên gia phân tích, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam khai phá những thị trường giàu tiềm năng như EU, Canada, Mexico, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phân mảnh, khi các nước lớn giảm giao thương với nhau, Việt Nam có thể lấp vào những khoảng trống này nếu chủ động định vị sản phẩm phù hợp.

Chỉ khi DN nội địa có năng lực cạnh tranh thực sự, có khả năng cung ứng giá trị vượt trội, họ mới có thể trụ vững trong chuỗi toàn cầu và bảo vệ được thị trường nội địa. Độc lập, tự cường không có nghĩa là khép kín, mà là có đủ nội lực để hội nhập một cách chủ động, thích ứng linh hoạt và tối ưu hóa lợi ích trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Nhập khẩu thép HRC khổ rộng tăng. Ảnh: T. N.N
Doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất

Theo PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, khu vực tư nhân hiện đóng góp hơn 50% GDP và tạo ra trên 85% số việc làm phi nông nghiệp. Do đó, một chính sách công nghiệp có chiều sâu sẽ là điều kiện tiên quyết để khu vực này chuyển đổi số mạnh mẽ, mở rộng thị trường, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng hai con số, một yêu cầu tất yếu nếu Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo ông Trường, chính sách công nghiệp hiện đại cần được định vị là chiến lược quốc gia, không chỉ đơn thuần là công cụ kỹ thuật. Việc này nhằm khơi thông các động lực tăng trưởng, phân bổ nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho khu vực tư nhân.

Còn PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế thì cho rằng, chính sách công nghiệp cần mang tính kiến tạo, chọn lọc và dài hạn. Ông Lê dẫn chứng kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy chính sách công nghiệp hiệu quả đã giúp các nền kinh tế này vươn lên trở thành trung tâm sản xuất công nghệ toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam cần xác lập chính sách công nghiệp tương tự, hỗ trợ DN tư nhân phát triển bền vững và đột phá.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trúc Lê cũng cho rằng, các thách thức nội tại như năng suất lao động thấp, chuỗi liên kết yếu và chính sách hỗ trợ thiếu hiệu quả đang cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân. Để khắc phục, báo cáo đề xuất nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và liên kết công – tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuế quan Mỹ - Việt hạ nhiệt: Mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước