Trong một Báo cáo về tình hình tài khóa mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng cần phải đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nghiên cứu cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.
Kiến nghị xin giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị xin giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ một bộ phận các doanh nghiệp. Liệu kiến nghị này có hợp lý hay không, khi nhiều ý kiến cho rằng bản thân Việt Nam đã là một nước có mức thuế khá thấp?
Hỗ trợ doanh nghiệp
Mới đây, tại Báo cáo tình hình tài khóa, ngân sách Việt Nam và thế giới tháng 9/2018 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức, cơ quan này cho rằng, cần đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thông qua nghiên cứu cắt giảm thuế thu nhập DN vừa và nhỏ, kết hợp mở rộng cơ sở thuế để từ đó tăng cường nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản thu kém bền vững.
Hiện nay, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được áp dụng là 20% với DN lớn và 17% với DN nhỏ và vừa. Khi cơ quan quản lý đưa ra một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư…
Trong khi đó, tại Hội thảo “Các công cụ quản lý ngân sách Nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Oxfam tổ chức, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho hay ngoài mức thuế TNDN 20%, Việt Nam còn có mức ưu đãi 10%, 15% hay 17% tùy từng đối tượng. Thậm chí, hiện cũng có quy định về miễn thuế suốt đời dự án, miễn thuế 4 năm, giảm 9 năm…
Qua đó, nhìn tổng thể, theo ông, mức thuế của nước ta hiện khá thấp. So với các nước trong khu vực, ông đánh giá, mức thuế của Việt Nam là khá cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề là mức thuế trên có thể tạo thuận lợi cho DN nhưng lại gây thiệt cho ngân sách nhà nước. Việt Nam đang chấp nhận khuyến khích tích lũy, nên một thời gian dài nước ta đã thực hiện chính sách cắt giảm thuế TNDN, duy trì thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp.
Ông Mathew Martin - Giám đốc Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế (DFI), cũng trình bày quan điểm rằng mức thuế thu nhập áp dụng với DN ở Việt Nam hiện thấp hơn hầu hết các nước láng giềng và thấp hơn mức trung bình toàn cầu (25%).
Cơ cấu lại nguồn thu
Theo giới chuyên gia, điều cần phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay là chống thất thu, nợ đọng thuế và đặc biệt là phải cơ cấu lại nguồn thu.
Trong cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước hiện nay, lượng thu nội địa ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tỷ trọng thu nội địa tăng cao sẽ mang lại sự ổn định, bền vững hơn cho ngân sách nhà nước, do đây chính là các khoản thu phát sinh từ hoạt động kinh tế trong nước. Tuy nhiên, tỷ trọng thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu giảm nhanh cũng đang tạo ra thách thức lớn cho việc cân đối thu ngân sách trung ương.
Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Viết Lợi cho rằng: Trong thời gian tới, ngành tài chính cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy đầu tư, đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế tăng tích tụ, khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển.
Cùng với đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành chính sách quản lý và chính sách thu đối với các hoạt động giao dịch thương mại điện tử và các dịch vụ mới hình thành từ cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng phù hợp với bối cảnh và tình hình mới về phát triển công nghệ số, trong đó chú trọng chi cho các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…rà soát, sử dụng tốt các kênh huy động vốn, bao gồm cả nguồn vốn vay nợ, đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn kiều hối. Đa dạng hóa các công cụ đầu tư tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
* Theo giới chuyên gia, mức thuế của nước ta hiện khá thấp. Mức thuế thu nhập áp dụng với DN ở Việt Nam hiện thấp hơn hầu hết các nước láng giềng và thấp hơn mức trung bình toàn cầu (25%).