Liên quan đến sự cố ngập cục bộ trên đường Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây vào cuối tháng 7/2023, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ cùng các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát tìm nguyên nhân chính xác gây ngập.
Thuê đơn vị tư vấn độc lập tìm nguyên nhân
Vừa qua, từ ngày 27-29/7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt trong đêm 28/7 có mưa liên tục với lượng mưa rất lớn.
Đến khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29/7, đã xảy ra tình trạng ngập nước trên tuyến Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân) tại lý trình km 25+419 phạm vi 100m, điểm sâu nhất chiều cao khoảng 70cm, khiến các phương tiện không thể lưu thông được theo cả hai chiều.
Theo đó, ngày 2/8, Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn khảo sát điểm ngập tại lý trình km 25+419 trên tuyến Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Sau khi khảo sát toàn bộ điểm ngập, đơn vị mới xác định nguyên nhân và có hướng xử lý cụ thể.
Theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long, nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ được cho là do lượng mưa lớn, liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu, tràn ra đường cao tốc.
Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng 533 - đơn vị tư vấn thiết kế cho rằng, một phần nguyên nhân gây ngập do dòng chảy sông Phan bị thu hẹp và việc phải hạ thấp cốt nền để không ảnh hưởng từ lưới điện cao thế khiến đoạn cao tốc bị thấp. Bên cạnh đó, đập Sông Phan xả nước với lưu lượng 90 m3/giây cùng mưa lớn khiến nước không thoát kịp, gây ngập.
Vì vậy, qua kiểm tra hiện trường, Ban quản lý dự án Thăng Long đánh giá nguyên nhân gây ra ngập cục bộ mặt đường cao tốc phạm vi Km25+419 là do nước ở sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống Km25+419, kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường.
Tuy nhiên, hiện Tư vấn thiết kế mới kiểm tra thực tế và số liệu khảo sát sơ bộ, các nhận định từ dữ liệu khảo sát còn mang tính định tính, chưa so sánh với các số liệu đầu vào khi tính toán thiết kế để tìm ra sự sai khác để có đánh giá nguyên nhân thực sự.
Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch cũng như tìm ra nguyên nhân chính xác của việc ngập nước từ đó có giải pháp xử lý triệt để, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ cùng các bên liên quan tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, tính toán làm cơ sở đề xuất phương án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Sau khi có kết quả của phương án xử lý triệt để, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ tổ chức đánh giá, xác định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan để từ đó có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo không làm phát sinh chi phí của dự án và tuân thủ quy định hiện hành, đồng thời Ban sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả thực hiện.
Khẩu độ thiết kế cống đáp ứng yêu cầu thoát nước
Trong báo cáo của Ban quản lý dự án Thăng Long gửi Bộ Giao thông Vận tải, kết quả kiểm tra, đánh giá của Tư vấn thiết kế kỹ thuật 533 và Tư vấn giám sát Liên danh Tedi-VJEC qua kiểm tra hiện trường cho hay, cống tại Km25+419 thiết kế với khẩu độ 2,5x2,5m được bố trí để thoát nước lưu vực từ trái tuyến qua phía phải tuyến và đổ về dòng chảy tự nhiên dẫn ra sông Phan.
Qua rà soát lưu vực thực tế và bảng tính toán thủy văn có thể khẳng định, khẩu độ thiết kế cống đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía trái tuyến cao tốc (phạm vi từ Km25+100-Km25+900).
Về nguyên nhân nước sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống km25+419, đơn vị tư vấn thiết kế đánh giá khoảng thời gian từ ngày 26-29/7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung, khu vực xã sông Phan và các khu vực lân cận dự án liên tục có mưa lớn và kéo dài, đặc biệt là đêm 28/7, rạng sáng ngày 29/7.
Mặc khác, sông Phan có dòng chảy uốn lượn quanh co; khi xuất hiện mưa bất thường, kết hợp lượng nước được xả lũ của đập sông Phan đã gây dềnh, ngập cục bộ nhiều nhà và vườn cây thanh long của người dân cạnh sông Phan.
Từ đánh giá nguyên nhân như trên và kết quả khảo sát thực địa, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp trước mắt, khẩn trương thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở ...) phạm vi từ hạ lưu cống Km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan (Km24+384), qua vị trí cầu khoảng 150m, đề phòng mưa lớn bất thường xuất hiện, tiếp tục xảy ra gây ngập úng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long nhìn nhận giải pháp của tư vấn thiết kế, chưa đảm bảo độ tin cậy, không dự báo được hiệu quả của phương án.
“Việc thanh thải về lý thuyết cũng có một tác dụng nhất định trong việc tăng tốc độ lưu thông của dòng chảy trên đoạn thanh thải, tuy nhiên chưa xét đến tác động khi mà cả dòng sông chỉ khơi thông một đoạn ngắn như vậy,” lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long cho hay.