Thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir đang đến gần hơn với các nước nghèo trên thế giới, giúp làm giảm áp lực cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém.
Thỏa thuận đột phá
Hãng dược Merck & Co của Mỹ vừa thông báo đã đạt được thỏa thuận cho phép các nước nghèo trên thế giới được tiếp cận với thuốc Generic đang được hãng thử nghiệm. Thuốc Generic là bản sao của Molnupiravir với thành phần hoạt chất tương tự nhau.
Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP) cũng thông báo, tổ chức này đã ký một thỏa thuận cấp phép tự nguyện với Merck & Co nhằm tạo điều kiện cho các nước trên thế giới tiếp cận được với thuốc điều trị Covid-19 dạng uống Molnupiravir, trong đó có 105 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. MPP là tổ chức quốc tế được Liên hợp quốc hậu thuẫn, có nhiệm vụ tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và bào chế dược phẩm cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Theo thỏa thuận này, Merck cấp quyền sản xuất thuốc Generic cho MPP để tổ chức này cấp phép cho các hãng dược. Merck sẽ không nhận khoản phí nhượng quyền vì Covid-19 được Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.
Giám đốc điều hành Merck & Co. Wendy Holman nhấn mạnh, sự hợp tác giữa công ty này với MPP sẽ đảm bảo việc sản xuất và phân bổ công bằng phiên bản Generic của thuốc Molnupiravir.
Ông Charles Gore - Giám đốc điều hành MPP bày tỏ, kết quả ban đầu đối với các thử nghiệm của Molnupiravir là thuyết phục, ông hy vọng thỏa thuận cấp phép tự nguyện đầu tiên đối với phương pháp điều trị Covid-19 sẽ dẫn đến những kết quả tích cực.
Trước đó, bất chấp các yêu cầu lặp đi lặp lại từ các chính phủ và các quan chức y tế, không có nhà sản xuất vacicne nào đồng ý với một thỏa thuận tương tự. Một trung tâm do WHO thành lập ở Nam Phi nhằm chia sẻ các công thức và công nghệ vaccine RNA thông tin, họ đã không thu hút được một loại dược phẩm nào tham gia.
Sự hỗ trợ kịp thời
Trước khi MPP đạt được thỏa thuận với Merck & Co, trong nỗ lực tạo điều kiện để các nước thu nhập thấp có thể sớm tiếp cận thuốc Molnupiravir, Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates đã công bố khoản đầu tư lên tới 120 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để khuyến khích việc sản xuất thuốc generic, đặc biệt tại Ấn Độ, nơi Merck đã cấp phép cho việc sản xuất này.
Tuyên bố nêu rõ, cam kết này được xây dựng dựa trên những nỗ lực không ngừng của quỹ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19, phương pháp điều trị và xét nghiệm (virus SARS-Co-2) bằng cách hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển, quản lý, sản xuất và phân phối sản phẩm.
Trong khi đó, ông Trevor Mundel, người đứng đầu Bộ phận Y tế toàn cầu tại Quỹ Bill & Melinda Gates, cho biết, việc khuyến khích các công ty khác sản xuất thuốc generic sẽ giúp tăng số lượng thuốc điều trị Covid-19 cho thế giới với chi phí tiết kiệm hơn. Quỹ cũng sẽ tài trợ cho một chiến dịch truyền thông để quảng bá loại thuốc này, qua đó giúp nhiều người biết đến và sử dụng một cách phù hợp.
Theo báo cáo của Merck trong tháng này, Molnupiravir đã làm giảm một nửa số ca nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có các triệu chứng sớm của Covid-19.
Molnupiravir là một viên thuốc kháng virus mà các bệnh nhân Covid-19 có thể dùng tại nhà để giảm các triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi. Đây là một bước đột phá, giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và giúp hạn chế bùng phát dịch ở các nước nghèo hơn với hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém. Nó cũng sẽ thúc đẩy cách tiếp cận đại dịch Covid-19 từ hai hướng đối: Điều trị bằng thuốc và phòng ngừa (chủ yếu thông qua tiêm chủng).
Thúc đẩy quy trình phê duyệt
Theo Hãng tin Reuters, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ thực hiện quy trình “đánh giá cuốn chiếu” đối với thuốc Molnupiravir do Merck hợp tác phát triển với đối tác Ridgeback Biotherapeutics, nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép sau đó.
Theo quy trình này, EMA sẽ đánh giá dữ liệu ngay khi có sẵn, thay vì chờ đơn xin cấp phép chính thức được nộp lên sau khi Merck đã có tất cả thông tin cần thiết.
Vaccine Covid-19 vẫn là vũ khí chính trong cuộc chiến chống Covid-19. Dù vậy, thuốc kháng virus Molnupiravir có thể là “thứ thay đổi cuộc chơi” sau khi các nghiên cứu cho thấy thuốc có thể làm giảm gần nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những người có nguy cơ mắc Covid-19 nhẹ và vừa.
Pfizer cũng đang thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus điều trị Covid-19 và công ty này hiện đang thảo luận với Tổ chức bằng sáng chế dược phẩm.
Trước đó, Merck đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ. Dự kiến, ủy ban cố vấn của FDA sẽ họp vào cuối tháng 11 để thảo luận về việc có nên cấp phép cho thuốc viên kháng virus này hay không.
Nếu được phê duyệt, Molnupiravir sẽ là thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên trên thế giới đặc trị Covid-19. Đồng thời cũng là phương thuốc đầu tiên chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhẹ và vừa. Hầu hết các phương pháp chữa trị Covid-19 hiện nay là dành cho bệnh nhân nặng.
Ở Nam Phi, các nhà hoạt động về quyền tiếp cận thuốc gọi thỏa thuận cấp phép sản xuất là một bước đi tích cực. Bà Sibongile Tshabalala, Chủ tịch một chiến dịch hành động tại Nam Phi cho biết, việc mở rộng phạm vi các quốc gia được sản xuất Molnupiravir sẽ đảm bảo giá thuốc thấp nhất có thể và giúp các hệ thống y tế công cộng ở châu Phi có thể dễ dàng mua và sử dụng rộng rãi.
Đến nay, Chính phủ Mỹ đã chi 1,2 tỷ USD để đặt mua trước 1,7 triệu liệu trình, tức khoảng 700 USD/liệu trình. Ngoài ra, các nước và vùng lãnh thổ như Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Malaysia cho biết cũng đã đạt thỏa thuận hoặc đang đàm phán mua thuốc của Merck & Co.
Tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới hoan nghênh thỏa thuận mà Merck đã đạt được để chia sẻ viên thuốc Covid-19 của mình, nhưng cho rằng nó chưa đi đủ xa. Ông Yuanqiong Hu, cố vấn chính sách và pháp lý cấp cao tại Tổ chức này, cho rằng thỏa thuận loại trừ các quốc gia có thu nhập trung bình cao như Brazil và Trung Quốc là một điều “đáng thất vọng”.