Thương chiến Mỹ - Trung bị đẩy lên tầm cao mới

Khánh Duy 08/08/2019 07:10

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa được đẩy lên một tầm cao mới, và hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có đạt được một thỏa thuận thương mại trước khi hướng tới kỳ bầu cử tổ chức tháng 11 năm tới hay không.

Thương chiến Mỹ - Trung bị đẩy lên tầm cao mới

Thương chiến Mỹ-Trung có khả năng trở thành một cuộc chiến dài hơi. (Nguồn: Reuters).

Tiến thoái lưỡng nan

Tổng thống Trump ngày càng tỏ ra lo lắng khi thiếu bước tiến trong các vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc, sau khi tin rằng ông đã đạt được bước đột phá trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Bởi vậy, ông Trump dường như cho rằng thỏa thuận thương mại khó có thể sớm đạt được, và đưa ra nhiều hành động gây thêm căng thẳng.

Tuần trước, ông Trump đã khiến cả Trung Quốc và giới đầu tư bất ngờ khi áp thuế 10% đối với lượng hàng 300 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9 tới, sau đó đến đầu tuần này tuyên bố gán danh “nước thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ngừng mua nông sản Mỹ và cho phép giảm giá đồng NDT.

Việc Tổng thống Mỹ xem Trung Quốc là thao túng tiền tệ xuất hiện chỉ vài tháng sau khi các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông - bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cựu cố vấn Gary Cohn - liên tục thuyết phục ông Trump không đưa ra động thái khiêu khích như vậy.

Thách thức đối với ông Trump giờ là phải giữ lời cam kết “giải quyết vấn đề” Trung Quốc mà ông đưa ra trong kỳ bầu cử năm 2016, cùng lúc không gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ.

“Giờ ông Trump phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan khi mà các đòn trừng phạt nhằm vào Trung Quốc, cùng nhiều đối tác khác, có hại cho nền kinh tế Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu” - David Dollar, chuyên gia phân tích thuộc Viện Bookings nhận định - “Điều này sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch tái tranh cử của ông”.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm thứ Ba tuần này đã cực lực phản đối tuyên bố của ông Trump, cho rằng Mỹ “cuối cùng sẽ hứng chịu hậu quả” từ quyết định coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, từ tình trạng bất ổn trên thị trường tài chính.

Chiến lược đánh thuế của ông Trump nhằm gây sức ép với Trung Quốc trên bàn đàm phán thương mại đã cho thấy nhiều tín hiệu về sự chững lại của nền kinh tế Mỹ và trên toàn cầu, khi mà giới doanh nghiệp tỏ ra lo lắng, không dám gửi gắm các khoản đầu tư do tình trạng bất ổn.

Giới kinh tế học cho rằng, Tổng thống Trump đang đánh cược vào thực tế rằng ông có một số sự bảo đảm rằng Cục Dự trữ liên bang (FED) sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ lãi suất để tránh cho nền kinh tế hạ nhiệt, và rằng thỏa thuận ngân sách 2 năm sẽ tiếp tục bơm tiền cho nền kinh tế Mỹ khi ông hướng tới kỳ bầu cử năm 2020.

“Ông ấy đang chấp nhận rủi ro lớn” - Maurice Obstfeld, Giáo sư kinh tế thuộc ĐH Berkeley, nhận định - “Ông ấy đang đánh cược rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh và FED sẽ phản ứng đủ để ông có thể khơi dậy cuộc chiến thương mại và tiền tệ, trở thành bên chiến thắng mà không gây tổn hại quá nhiều tới nền kinh tế. Nhưng có lẽ ông đã nhầm”.

Chiến lược dài hơi

Sau khi tuyên bố rằng “chiến tranh thương mại là tốt và dễ dàng giành chiến thắng” trong tháng 3/2018, đến tháng trước, ông Trump lại mở ra cánh cửa đối thoại với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh lại không muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán, bởi họ muốn chờ đợi kết quả của kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Tính đến thời điểm này, chiến thuật của Trung Quốc là sẵn sàng hứng chịu các ảnh hưởng kinh tế từ chiến tranh thương mại, chứ quyết không chấp nhận các yêu sách của ông Trump. Dường như họ đang muốn áp dụng chiến thuật dài hơi và chờ đợi thời điểm mà ông Trump ra đi.

“Ông Trump hoàn toàn đúng khi nói rằng Trung Quốc đang câu giờ để chờ đến kỳ bầu cử”- Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định - “Hoàn toàn đúng. Họ (Trung Quốc) cởi mở về các vòng đối thoại, nhưng vấn đề là họ không tin ông Trump là một đối tác thương mại đáng tin cậy”.

* “Giờ ông Trump phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan khi mà các đòn trừng phạt nhằm vào Trung Quốc, cùng nhiều đối tác khác, có hại cho nền kinh tế Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu” - David Dollar, chuyên gia phân tích thuộc Viện Bookings nhận định - “Điều này sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch tái tranh cử của ông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương chiến Mỹ - Trung bị đẩy lên tầm cao mới