Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Nhật Bản dành thời lượng đáng kể để thảo luận về các vấn đề nóng hổi như chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, an ninh hàng hải, đặc biệt là về các động thái gây quan ngại mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian qua trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Giới lãnh đạo G7 trong chuyến thăm đền Ise Jingu ở Ise Shima (Nguồn: EPA).
Nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái đã trở thành tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, khi lãnh đạo nước chủ nhà Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe so sánh giai đoạn này với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 dù không phải tất cả các lãnh đạo đều nhất trí điều này.
Lãnh đạo các nền công nghiệp pháp triển nhất thế giới đã bắt đầu các vòng họp tại Ise Shima, nhằm vạch ra các biện pháp cứu vãn nền kinh tế toàn cầu khỏi đà tăng trưởng bị chững lại, thảo luận về an ninh và căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Dù cho việc đạt được một thỏa thuận đầy đủ về chính sách kinh tế vĩ mô dường như là quá khó, nhưng các lãnh đạo nhóm G7 dự kiến sẽ đưa ra các chính sách thúc đẩy tiền tệ, tài chính nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế chung khi hội nghị lần này kết thúc.Trong khi Anh và Đức liên tiếp đưa ra lời kêu gọi thành lập một gói kích thích tài chính, thì Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được cho là sẽ thúc giục giới lãnh đạo G7 thông qua một chính sách tài chính linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình của mỗi quốc gia.
Một số nhà phân tích cũng nói rằng, ông Abe hy vọng sẽ tận dụng một tuyên bố về vấn đề kinh tế của G7 để đưa ra một gói kích thích tài chính trong nước, trong đó trì hoãn tăng thuế bán hàng ở nước này từ 8% lên 10% như đã lên kế hoạch từ trước.
Giới lãnh đạo G7 cũng dự kiến sẽ xác nhận lại các cam kết của họ trước đây trong việc bình ổn thị trường ngoại hối. Trong một buổi họp báo trước hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng, ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại việc phá giá tiền tệ, mà một số quốc gia có thể đang sử dụng như một biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, thượng đỉnh G7 cũng thảo luận về các vấn đề nóng hổi khác như chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, an ninh hàng hải, đặc biệt là về các động thái gây quan ngại mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian qua trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi mà Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia trong khu vực.
Ông Hiroshige Seko, Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản nói với báo giới trong nước rằng, giới lãnh đạo G7 đều nhất trí về sự cần thiết phải gửi đi một thông điệp rõ ràng về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, thêm rằng Trung Quốc đã được nhắc tới trong nhiều cuộc thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải trong hôm 26-5.
Cũng trong một buổi họp báo tổ chức vào cuối ngày 25/5, Thủ tướng Abe cũng nói rằng, Nhật Bản hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc trong khi nhắc lại quan điểm của Tokyo là phản đối các hành động cố tình thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và thúc giục các bên tôn trọng luật pháp quốc tế - các nguyên tắc dự kiến sẽ được nhắc lại trong một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh lần này.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng vấn đề Biển Đông “không liên quan” tới G7 hay bất cứ quốc gia thành viên nào của nhóm này.
“Trung Quốc phản đối việc các quốc gia riêng lẻ cường điệu hóa vấn đề Biển Đông để thu được lợi ích cá nhân” - bà Hoa nói.
Trong chương trình nghị sự hôm 26/5, Tổng thống Obama cũng chỉ ra mối đe dọa từ các chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nói rằng quốc gia bị cô lập này luôn nuôi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên ông nói rằng thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều phản ứng tích cực từ các nước trong khu vực như Trung Quốc và điều đó có thể giảm rủi ro Bình Nhưỡng bán vật liệu hạt nhân ra nước ngoài.
Giới lãnh đạo G7 cũng tỏ ra quan ngại về ứng viên đảng Cộng hòa đang tham gia vòng tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, Donald Trump, ông Obama cho hay, thêm rằng các tuyên bố của Trump thể hiện sự phớt lờ và chỉ nhằm vào mục đích được lên các mặt báo chứ không phải nhằm vào việc đảm bảo sự an toàn cho nước Mỹ và toàn thế giới.
Cũng trong hôm 26/5, Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk đã tuyên bố sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ nhóm G7 để thúc giục toàn thế giới chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
“Nếu chúng ta (G7) không dẫn đầu trong việc kiểm soát khủng hoảng, thì chả ai sẽ làm cả” - ông Tusk nói.
Trước khi cuộc họp diễn ra, Thủ tướng Shinzo Abe đã dẫn các nhà lãnh đạo nhóm G7 tới thăm và trồng cây tại Ise Jingu, ngôi đền theo đạo Shinto được coi là thiêng liêng nhất nước Nhật. Ngôi đền có 2.000 năm lịch sử này là nơi thường tổ chức các nghi lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ông Abe hy vọng rằng chuyến thăm này sẽ giúp các lãnh đạo nước ngoài cái nhìn sâu sắc hơn về cốt lõi văn hóa Nhật.