Kinh tế

Thương hiệu - nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt

AN THỤY 10/11/2024 14:54

Xuất khẩu là một trong ba trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt là khi Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, thương hiệu chính là yếu tố quan trọng để con đường xuất khẩu của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn, đồng thời “ghi dấu” hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thương hieu VN
Doanh nghiệp tích cực tham dự các triển lãm trong và ngoài nước để đưa thương hiệu tới gần người tiêu dùng hơn.

Tuần vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố và trao danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2024 cho 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp trên tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, được triển khai thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường. Từ năm 2008, 2 năm một lần, Chương trình lựa chọn các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia.

Để phát triển thương hiệu và đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, cùng với chương trình tôn vinh thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều hoạt động, giải pháp như: triển lãm các sản phẩm OCOP trong nước; tổ chức các triển lãm lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm quốc tế; đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia các gian hàng, tổ chức các chương trình giao lưu, triển lãm nhằm quảng bá hàng Việt Nam, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế; quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối trong nước và nước ngoài…

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu của Việt Nam trên “đất khách” là một câu chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử hiện nay đang có quá nhiều sự cạnh tranh. Theo ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia - để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường này, các doanh nghiệp Việt cần kết nối với các nhà phân phối nội địa, tiếp cận với hệ thống các cửa hàng tạp hóa truyền thống cũng như các hệ thống siêu thị lớn như Hypermart, Carrefour Transmart, Giant… Đồng thời, doanh nghiệp cần tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tại Indonesia nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối với các nhà phân phối lớn.

Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với những rào cản phi thuế quan từ thị trường Indonesia, bởi đây là thị trường mang tính bảo hộ cao, như cần có giấy phép nhập khẩu, cần có chứng nhận Halal do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp, cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Lương Thanh Thúy - nhà sáng lập CTCP Công nghệ thực phẩm Lương Gia, thương hiệu Ohla chuyên xuất khẩu hoa quả sấy dẻo - cho biết, trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài, công ty cũng gặp nhiều khó khăn, bởi ở những quốc gia phát triển, với các khách hàng khó tính, bên cạnh chất lượng, mẫu mã, giá cả, doanh nghiệp còn cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội.

Doanh nghiệp cần duy trì cam kết với đối tác, với nước sở tại, như cam kết về bảo hành, hậu mãi, về trách nhiệm xã hội. Cần có sự chia sẻ thông qua các chính sách đãi ngộ với người lao động - đây là một trong những điểm mà người tiêu dùng nước ngoài rất quan tâm. Một yếu tố giúp gây dựng tình cảm của khách hàng là sự chuyên nghiệp, chuẩn mực từ nhân viên tiếp thị tới các nhân viên sản xuất, để sản phẩm làm ra được tốt nhất.

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin, thị hiếu, nhu cầu, khẩu vị của người tiêu dùng sở tại. Hàng hóa có được ưa chuộng và đón nhận thì thương hiệu mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Một vấn đề khác ít được doanh nghiệp chú tâm hơn, đó là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Theo TS Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - các doanh nghiệp hiện nay đang chưa nhận thức đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ và các đối tượng quyền được tích hợp trên hàng hóa, dịch vụ. Quyền sở hữu trí tuệ đối với 1 sản phẩm, dịch vụ bao gồm sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, quyền tác giả. Những yếu tố này tác động lên sản phẩm trong suốt vòng đời phát triển sản phẩm và là cơ sở để doanh nghiệp tăng năng suất, tạo sản phẩm mới, thúc đẩy hoạt động thương mại. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.

“Một yếu tố quan trọng của xây dựng thương hiệu là cần có nhãn hiệu mạnh và được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một nhãn hiệu mạnh là nhãn hiệu được bảo hộ cả về mặt ngữ nghĩa, về mặt phát âm, và về mặt trình bày. Như vậy, nhãn hiệu gồm các ký tự đơn lẻ không có nghĩa như “HB”, “ST25” hay “KD” là những nhãn hiệu yếu khi chỉ được bảo hộ về mặt trình bày chứ không được bảo hộ về mặt ngữ nghĩa hay phát âm” - TS Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương hiệu - nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt