Kinh tế

Thương lái trong chuỗi kết nối thị trường: “Mắt xích” tất yếu

Thanh Xuân 18/07/2024 11:41

Tiêu thụ nông sản có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ thương lái. Không thể phủ nhận, trong chuỗi sản xuất nông sản, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo, thương lái đóng vai trò quan trọng sau mỗi mùa vụ.

anhtren.png
Thương lái đóng vai trò quan trọng trong chuỗi tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: M.H.

Mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị nông sản

Thương lái giúp các công ty lương thực có thể tiếp cận mua lúa tươi tại ruộng cho người trồng lúa, ở chiều ngược lại, nhờ đội ngũ thương lái, người nông dân có thể tiêu thụ được các sản phẩm nông sản sau khi thu hoạch vụ mùa.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, thực tế, muốn phát triển chuỗi cung ứng nông sản, đặc biệt là ngành hàng trái cây, cần phải quan tâm tới đội ngũ thương lái chứ không chỉ chú ý tới doanh nghiệp (DN).

Bao lâu nay, thương lái đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản của nước ta. Một vụ vải, một vụ lúa hay những vụ mùa nào khác, khi thu hoạch nếu không có mắt xích quan trọng này, sản phẩm nông sản của bà con nông dân khó có thể tiêu thụ một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, dường như nhận thấy vai trò quan trọng đó, nên đội ngũ thương lái cũng đang có “quyền lực” trong việc quyết định giá cả của sản phẩm nông sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng chia sẻ câu chuyện liên quan đến đội ngũ thương lái khi ông đến thăm những người làm nghề nông. Câu chuyện của vị tư lệnh ngành nông nghiệp gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm. Một người nông dân bày tỏ rằng: “Thật lạ, khi giá lên thì thương lái dập dìu, từ chối không kịp, đến khi giá xuống thì chẳng thấy bóng dáng họ đâu”. Báo đài cũng thường đưa tin, khi giá cả nông sản xuống thấp, nông dân bị thương lái “ép bán” với mức giá “dưới cả giá thành sản xuất”. Thêm nữa, nhiều người còn bức xúc: “Nông dân cày sâu cuốc bẫm, một nắng, hai sương để làm ra của cải thì không quyết định được giá, trong khi đó thương lái muốn ấn định thế nào cũng phải chấp nhận”, từ trồng trọt đến chăn nuôi, rồi cả thủy sản.

Giới chuyên gia cũng khẳng định vai trò quan trọng của thương lái, cho đây là mắt xích tất yếu trong kết nối thị trường. Đặc biệt, thương lái có vai trò quan trọng khi lưu thông những mặt hàng khó tồn trữ hay trong điều kiện sản xuất ở vùng sâu và vùng xa... Song họ cũng thừa nhận, trong kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, dường như vai trò của thương lái vẫn chưa được chú trọng khi mà, chúng ta chỉ tập trung nói tới doanh nghiệp (DN), nông dân mà quên thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế, chính là thương lái.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất dồi dào tiềm năng cho phát triển nông sản. Tuy nhiên, bà con nông dân vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, bởi vậy, nguyên liệu cho chế biến nông sản, thủy sản đều là động thực vật tươi sống. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, sản phẩm nông sản thu hoạch xong sẽ rất dễ hư hỏng, nếu không thu gom, bảo quản, vận chuyển, chế biến kịp thời.

Và thời gian qua, chính đội ngũ thương lái đã góp phần quan trọng vào tiêu thụ nông, thủy sản cho bà con nông dân. Cùng với đó, nhiều DN cũng nhờ “mắt xích” thương lái mà bài toán sản xuất kinh doanh được suôn sẻ hơn. Theo chia sẻ của nhiều DN, việc mua hàng nông sản thông qua thương lái thuận lợi hơn vì không phải ứng tiền trước cho hộ nông dân trong thời gian dài. Và việc mua nông sản, thủy sản qua thương lái cũng được giải quyết nhanh gọn và thuận lợi hơn nhiều so với việc DN phải đến tận vườn, ao, chuồng để ngã giá với nông hộ.

Cần công cụ để chọn lọc thương lái uy tín

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sự liên kết giữa thương lái và nông dân bộc lộ nhiều hạn chế và nhiều bất cập, đôi lúc trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ giữa thương lái với người sản xuất, mà nguyên nhân là do một bộ phận thương lái dùng “mánh khóe” để ép giá nông hộ.

Tình trạng bỏ cọc, ép giá của thương lái gây nên sự bất an đối với nông dân. Đó cũng là lý do vì sao vẫn tái diễn tình trạng “được mùa mất giá” và “kêu cứu giải cứu” nông sản cứ mỗi vụ thu hoạch một loại nông sản nào đó. Để giải quyết tình trạng này, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, thương lái cần có giấy chứng nhận hành nghề, đó chính là những “công cụ” giúp bà con nông dân phân biệt được thương lái tốt, uy tín và thương lái thiếu uy tín.

Điều này cũng được TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nhấn mạnh khi cho rằng, thương lái có những điểm mạnh, điểm hay, vì thế các hợp tác xã cần có sự kết hợp để làm dịch vụ cho DN. “Chúng ta mời được thương lái vào chuỗi thì có nhiều lợi ích. Cần xem thương lái như một đối tác đồng hành với nông dân, DN” – ông Hải nói đồng thời cho rằng, rất cần có cơ chế khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để họ cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, nhằm tránh tình trạng mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc gắn thương lái vào chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo là cần thiết. Thương lái tham gia vào chuỗi giá trị nông sản nói chung, chuỗi giá trị lúa gạo nói riêng, sẽ thúc đẩy gia tăng 20% giá trị. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người nông dân bị ép giá, thương lái nên làm luôn khâu cung cấp đầu vào, cung cấp phương tiện cơ giới khai thác lúa thay cho “cò lúa”. Bởi, khi thương lái thông qua “cò lúa” để tìm đến người trồng lúa hoặc để tìm thuê phương tiện cơ giới, thì các chi phí phát sinh sẽ được thương lái trừ vào giá mua lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương lái trong chuỗi kết nối thị trường: “Mắt xích” tất yếu