Hoạt động dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng số ngày càng phát triển. Khi nắm được dòng tiền của các cá nhân, doanh nghiệp nhận thu nhập từ hoạt động kinh doanh xuyên biên giới thì không có cớ gì để thất thu thuế ở mảnh đất màu mỡ này.
Khó chồng khó
Hiện nay, các vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã được phân ra các hình thức khác nhau.
Đối với các cá nhân thực hiện sản xuất, mua bán thương mại trong nước thì sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế giống như các hộ kinh doanh. Điều này đã có những hướng dẫn cụ thể, chưa kể cơ quan thuế cũng thường xuyên tuyên truyền cho những người kinh doanh thương mại điện tử trong nước thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cùng đó, với các hoạt động dịch vụ TMĐT xuyên biên giới được đánh giá là mảnh đất vô tiền khoáng hậu, song thu thuế ở mảnh đất này còn nhiều khoảng trống.
Theo thống kê hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã nộp thuế với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Microsoft... đã thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp khác kinh doanh trên nền tảng số cũng như nhiều cá nhân thu được nguồn tiền lớn từ nền tảng số vẫn chưa thống nhất được cách thu thuế. Chẳng hạn, Netflix và Apple TV hiện chưa nộp thuế tại Việt Nam…Chưa kể nhiều tổ chức, cá nhân thu được dòng tiền lớn khi tự sản xuất nội dung số để kiếm tiền trên từ kho ứng dụng của Apple store, You Tube
Theo phân tích trong các đối tượng chịu thuế thì những cá nhân kinh doanh qua mạng được xem là đối tượng khó khăn nhất trong công tác quản lý thuế. Những đối tượng này không có địa chỉ cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên mạng lại khác với tên ngoài đời thực, giao dịch bằng tiền mặt. Chính vì vậy, ngành thuế sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian để truy thu thuế.
Nhiều doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, chỉ sử dụng website, trang mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sản phẩm nhưng việc bán hàng lại thông qua điện thoại tin nhắn. Trong khi đó, các đơn vị cho thuê máy chủ lại chưa hợp tác đầy đủ với cơ quan Thuế trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về các doanh nghiệp vận hành các website bán hàng khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc thu nhập thông tin.
Đặc biệt, công tác quản lý thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới hiện nay cũng vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua mạng xã hội chưa cao, các hình thức thu thuế hiện nay vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước. Lợi dụng quy định này, hầu hết cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh qua mạng internet tìm mọi cách để “lách”, để tránh nộp thuế, cho dù cơ quan thuế đã có nhiều giải pháp quản lý nhằm giảm thất thu ngân sách nhà nước.
Kinh doanh tại Việt Nam, phải đóng thuế tại Việt Nam
Nghị định 126/ NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12 này được kỳ vọng là công cụ để siết chặt hơn thuế TMĐT xuyên biên giới. Trong đó, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế, để cơ quan thuế nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các giao dịch TMĐT. Theo đó cơ quan thuế nắm được dòng tiền của các trường hợp kinh doanh TMĐT, kinh doanh xuyên biên giới trong bối cảnh nhiều cá nhân nhận thu nhập khi kinh doanh qua các nền tảng như Amazon, Google, YouTube.
Hai cơ quan thuế và ngân hàng sẽ phối hợp trao đổi thông tin theo hướng, cơ quan thuế sẽ cung cấp mã số thuế theo chứng minh thư nhân dân, do đây là điều kiện bắt buộc để một cá nhân có thể mở tài khoản tại ngân hàng.
Riêng về phía ngân hàng sẽ yêu cầu người mở tài khoản cung cấp mã số thuế để gắn thuộc tính mã số thuế vào thông tin định danh khách hàng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, sau Nghị định số 126/2020/NĐ-CP sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về đăng ký kê khai, kê khai thuế đối với các doanh nghiệp nền tảng tham gia TMĐT, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Được biết cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, công ty kiểm toán để mời các doanh nghiệp nền tảng như Amazon, Netflix, Facebook, Google, YouTube trao đổi với cơ quan thuế, trước hết là hướng dẫn nghĩa vụ mới và trao đổi biện pháp quản lý trong thời gian tới. Tinh thần chung là thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ thuế và trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với các dịch vụ đã cung cấp sang Việt Nam.