Thượng nguồn sông Mê Kông: Cá non bị “chặn”

Đoàn Xá 03/11/2015 09:30

Tình trạng khai thác quá mức ở phía thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp và cả vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn khiến hàng tấn cá non bị đánh bắt không thương tiếc.

Cá non đang bị khai thác quá mức.

Đang mùa mưa, nước từ phía thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đồng bằng Nam Bộ xưa nay luôn kèm theo vô số nguồn lợi thủy sản, tôm cá. Đây cũng được coi là món quà thiên nhiên vô giá bao đời nay của hàng triệu cư dân miệt đồng bằng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang có nguy cơ cạn kiệt bởi tình trạng khai thác quá mức ở phía thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp và cả vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn khiến hàng tấn cá non bị đánh bắt không thương tiếc.

Nguy cơ cạn kiệt

Những ngày này, dọc theo tuyến quốc lộ 62 men dòng Vàm Cỏ Tây, người ta thấy hàng chục ghe lưới nhỏ đang giăng lưới cùng vô số những giàn lưới đăng chắn ngang dòng nước.

Ông Năm Tài, một người bán nước ở thị trấn Kiến Tường (huyện Mộc Hóa, Long An) thở dài: “Giờ họ dùng lưới dài cả trăm mét, giăng kín mặt nước khiến cả những con cá non cũng bị dính. Cứ đà này, không có nổi con cá nào trưởng thành, xuôi về phía hạ lưu được”.

Tương tự, tình trạng dùng ghe lưới, lưới kéo, lưới đăng chắn ngang dòng nước từ phía bên kia biên giới tràn về cũng xuất hiện nhiều ở các địa phương như Hồng Ngự (Đồng Tháp) hay An Phú, Tân Châu (An Giang) khiến rất ít loại cá có thể sống sót mà trưởng thành về phía hạ lưu được. Đặc biệt, tại khu vực đường tỉnh ĐT 842 chạy qua địa bàn huyện Hồng Ngự, các giàn lưới mắt nhỏ bủa vây khắp các kênh rạch. Hàng tấn cá non được khai thác suốt ngày đêm.

“Cá không thể trưởng thành mà sinh sản cho mùa sau cũng không có nữa. Nguy cơ cạn kiệt ngày một rõ ràng hơn, ngay tại chính vùng đầu nguồn này”, một người dân ở thị trấn Sa Rài (huyện Hồng Ngự) cho biết.

Trong khi đó, dọc theo các tuyến đường vùng này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều các khu chợ tạm bày bán thủy hải sản với những loài cá li ti đã bị khai thác. “Thủy sản ngày một ít đi, nếu đợi sau một hoặc hai tháng để cá tôm lớn mới đánh bắt thì sẽ không còn nữa”, một người đang giăng lưới giãi bày như vậy.

Theo ông Trần Văn Tâm ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa ( tỉnh Long An), một trong những xã thuộc vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười thì, gia đình ông bao đời nay sống bằng nghề chài lưới ven sông Vàm Cỏ Tây này.

Những năm trước, khi mùa mưa bắt đầu khoảng một tháng là rất nhiều cá đồng theo dòng nước lũ tràn về. Những con lóc, con trê, rô, tôm tép… đi thành từng đàn, giăng lưới cũng không hết. Đây là nhịp sống quen thuộc của người dân vùng Đồng Tháp Mười rồi nên mọi người rất mong chờ mùa mưa lũ.

Vậy nhưng chừng ba năm trở lại đây, ngóng lũ về thì có nhưng cá tuyệt nhiên không thấy đâu. Chỉ có bèo tây và rác thải mà thôi. Thực tế, không riêng gì ông Tâm, rất nhiều lão ngư làm nghề giăng lưới ven các con sông lớn nhỏ vùng Đồng Tháp Mười đều gặp phải tình cảnh tương tự.

Chưa có quy định cấm

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thì tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt ở khu vực sông ngòi phía thượng nguồn đã xuất hiện vài năm qua, và ngày càng trở thành vấn nạn trong thời gian gần đây.

“Là vùng hạ lưu, lại có nhiều dòng sông lớn như Cổ Chiên, Hàm Huông, sông Tiền chảy qua nên chúng tôi hiểu rõ về những thiệt hại của tình trạng này. Theo đánh giá, trữ lượng thủy sản ở sông Tiền đoạn chảy qua tỉnh Bến Tre là rất lớn, lại đa dạng về chủng loại như cá trắm, mè, chép, điêu hồng, cá rô, cá lóc… khối lượng có thể lên đến 3.000 tấn/ năm nếu biết khai thác hết tiềm năng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cá ở sông Tiền cũng như các dòng sông khác thường bị khai thác từ lúc… mới sinh ở trên thượng nguồn nên trữ lượng giảm đi rất nhiều”, ông Đảnh cho biết thêm.

Theo nhiều người làm nghề đánh bắt thủy sản, những loài cá nước ngọt mùa nước nổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sinh trưởng rất nhanh, chỉ chừng 1-2 tháng là tới giai đoạn trưởng thành, trọng lượng của chúng có thể tăng gấp 10-20 lần, lại bắt đầu sinh sản được.

Vì thế, nếu khai thác ở giai đoạn cá non thì thiệt hại là vô cùng lớn, không thể đo đếm hết, lại ảnh hưởng tới vòng sinh dưỡng của thủy sản, nguy cơ cạn kiệt cho mùa sau. Mặc dù vậy, do địa bàn rộng, cộng với tập quán của người dân, rất kho để ngăn chặn tình trạng khai thác này bởi quy định về việc cấm đánh bắt cá non hiện nay vẫn còn chưa có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thượng nguồn sông Mê Kông: Cá non bị “chặn”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO