Nhiều gian hàng thịt gà tươi tại những khu chợ tại Singapore có thể sẽ phải đóng cửa, ít nhất là vào lúc này, khi Malaysia sắp hạn chế xuất khẩu gà từ ngày 1/6.
Lệnh hạn chế gà ‘xuất ngoại’
Trước đó một ngày, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã đưa ra thông báo rằng, quốc gia này sẽ hạn chế xuất khẩu gà từ ngày 1/6, đây là một trong số những biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường nội địa.
Ông nhấn mạnh rằng, đây là ‘một biện pháp ngắn hạn’, tạm dừng xuất khẩu tới 3,6 triệu con gà mỗi tháng, cho đến khi giá cả trong nước và sản xuất ổn định trở lại. Theo các công ty lớn trong ngành chăn nuôi gà tại Malaysia, các yếu tố chính ảnh hưởng đến nguồn cung bao gồm chi phí sản xuất gà tăng cao, đại dịch Covid-19 cùng với điều kiện thời tiết bất ổn.
Ngoài việc ngừng xuất khẩu bắt đầu từ tháng 6, Malaysia cho biết họ sẽ tạo ra một nguồn dự trữ thịt gà và tối ưu hóa các cơ sở bảo quản lạnh hiện có của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm cùng nhiều cơ quan khác.
Các nhà chức trách cũng sẽ đơn giản hóa quy trình yêu cầu trợ cấp cho các nhà sản xuất gà và công nhận các lò giết mổ ở nước ngoài để tăng sản lượng cung cấp thịt gà nội địa. Giấy phép nhập khẩu gà nguyên con và gà cắt miếng được phê duyệt đã bị bãi bỏ, một động thái nhằm tăng nguồn cung thực phẩm.
Không có một ngày cụ thể nào được ấn định để nối lại chuỗi xuất khẩu. Malaysia chỉ thông báo rằng, lệnh cấm sẽ kéo dài cho đến khi tình hình giá cả và sản xuất trong nước trở lại ổn định.
Thách thức đối với thương nhân Singapore
Theo Cơ quan Lương thực Singapore (SFA), khoảng 1/3 nguồn cung thịt gà của Singapore được nhập khẩu từ Malaysia. Các nguồn chính khác bao gồm Brazil (49%) và Mỹ (12%).
SFA cũng cho biết hôm 23/5 sau khi nhận được thông báo, cơ quan này sẽ làm việc với các bên liên quan để kích hoạt chuỗi cung ứng nhằm tăng nhập khẩu gà ướp lạnh và đông lạnh từ các nguồn thay thế, hoặc rút từ các nguồn dự trữ gia cầm.
Mặc dù vẫn chưa rõ lệnh cấm xuất khẩu của Malaysia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung và giá thịt gà ở Singapore, nhưng đây lại chính là mối lo ngại rất lớn đối với nhiều thương nhân tại các khu chợ trên khắp đất nước.
Các nhà nhập khẩu thịt gà Singapore cho biết sẽ rất khó để chuyển sang các nguồn cung khác trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt là khi Malaysia bắt đầu hạn chế xuất khẩu.
Các thương nhân có thể dừng việc kinh doanh
Giá gà đã tăng trong tháng qua. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Singapore, giá trung bình cho một con gà ướp lạnh nguyên con là 7,21 SGD/kg (đô la Singapore) vào tháng 4/2022, tăng 6,60 SGD/kg vào tháng 3 cùng năm.
Cánh gà ướp lạnh cũng đã tăng từ 8,75 SGD/kg vào tháng 3/2022 lên mức 9,45 SGD/kg vào tháng 4 cùng năm.
Lệnh hạn chế xuất khẩu sắp tới từ Malaysia đã khiến một số chủ cửa hàng ở Singapore lo lắng, vì điều này có thể khiến giá cả tăng cao hơn nữa, trực tiếp khiến nhiều khách hàng bỏ đi.
Tại Chợ Bukit Merah View, ông Mohamed Basheer, chủ quầy hàng tại cửa hàng thực phẩm Halnaz Frozen Good cho biết, việc kinh doanh của ông đã bị ảnh hưởng bởi giá thực phẩm leo thang. Nhưng ông đã cố gắng để không tăng giá quá nhiều.
“Nếu tôi tăng giá quá nhiều, tôi sẽ mất hết khách hàng”, ông nhấn mạnh.
Ông Basheer, chủ quầy hàng bán thịt bao gồm cả thịt gà, cho biết, một số khách hàng đã bắt đầu không hài lòng và phàn nàn về giá cả ‘quá đắt đỏ’.
“Nhưng tôi nói với họ rằng không còn sự lựa chọn nào khác. Tất cả mọi nơi giá cả đều đã tăng rồi, đó là lý do tại sao tôi cũng tăng”, ông giải thích.
Đã có những cảm xúc tương tự từ thương nhân 58 tuổi Peh Ah Lai ở Fu Lai Fa, chủ một quầy hàng khác ở Chợ Bukit Merah View: “Nếu không nhập khẩu gà, tất nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tôi... Tôi không thể nói gì khác khi khách hàng phàn nàn. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tăng giá không phải là điều chúng tôi mong muốn”, ông Peh chia sẻ.
“Thời điểm hiện tại đã có ít khách hơn, nhưng đó là thực tế không thể tránh khỏi”, ông nói thêm và chia sẻ rằng ông cũng giao hàng miễn phí cho người dân quanh khu vực chợ Bukit Merah.
Nếu may mắn, ông Peh có thể bán hết hàng vào khoảng 10h sáng, nhưng nếu không, ông thường đóng cửa hàng vào khoảng 2h chiều. Sự gia tăng của thức ăn thừa hiện nay đã lên đến mức cao đáng kể.
“Nhưng nếu chúng tôi không tăng giá, không có cách nào chúng tôi có thể kiếm sống”, ông thở dài.
Elsa Ho, một cư dân 59 tuổi đã nghỉ hưu, phàn nàn về giá cả tăng cao khi xếp hàng tại quầy hàng của ông Peh, “Giá thịt thực sự đã tăng rất nhiều. Đối với trứng, giá đã tăng từ 2 SGD lên 3 SGD. Tỷ lệ phần trăm tăng là rất cao. Mọi thứ thật kinh khủng... Thật sự chúng tôi không còn cách nào để tồn tại”.
Trong khi đó, tại cửa hàng gà tươi Swee Heng ở chợ Beo Crescent, chủ quầy hàng Mdm Ng Kwee Huey đã không biết gì về kế hoạch của Malaysia cho đến khi được phỏng vấn. Cô hỏi rằng thực trạng này sẽ tồn tại trong bao lâu bởi nguồn cung cấp chính của cửa hàng đến từ Malaysia.
“Nếu không có gà từ Malaysia nhập về, chúng tôi sẽ ngừng bán một thời gian”, bà nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng, giá một chiếc đùi gà hiện nay là khoảng 3 SGD, cao hơn nhiều so với mức 2,50 SGD trước đây.
“Mọi chi phí đã quá đắt đỏ rồi. Nếu không bán được, tôi sẽ ngừng bán. Tạm thời không bán sẽ dễ hơn là cố gắng bán một thứ đắt như vậy”.
Tương tự như vậy, tại chợ Tiong Bahru, một chủ quầy hàng khác cho biết, nhà cung cấp của bà cũng chưa thông báo gì về tin tức này. Nhưng bà đã nghe tin từ một chủ quầy hàng khác rằng “có thể sẽ không có con gà nào đến trong tuần tới”.
Ngay cả khi có doanh thu tốt, thương nhân 70 tuổi nói rằng bà “vẫn không biết phải làm gì” với việc Malaysia ngừng xuất khẩu sắp tới.
“Hiện tại, đối với nhiều khách hàng quen thuộc, tôi sẽ không bán quá đắt cho họ, để họ tiếp tục quay lại ủng hộ... Nếu không có nguồn gà, tôi sẽ nghỉ bán. Con trai tôi cũng đang bán gà tại chợ Yew Tee, mà nguồn cũng từ Malaysia”, bà nói.
Tại một quầy hàng khác ở chợ Tiong Bahru, ông Stanley Yeow cho biết việc ngừng xuất khẩu từ Malaysia ‘chắc chắn’ sẽ ảnh hưởng không chỉ đến ông mà còn là ‘toàn bộ đất nước Singapore’.
“Tất cả số gà bạn mua ở chợ đều đến từ Malaysia. Và nếu không có gà, tôi sẽ nghỉ bán. Đơn giản vậy thôi”, chủ quầy hàng 52 tuổi của Wei Ji nói.
Một số khách hàng ‘không thực sự’ bị ảnh hưởng
Mặt khác, những khách hàng khác đang xếp hàng mua gà tươi tại nhiều khu chợ cho biết việc Malaysia hạn chế xuất khẩu sẽ ‘không thực sự’ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Một khách hàng tên Mdm Jenny Ng cho biết, gia đình của cô chỉ thỉnh thoảng ăn thịt gà, và cô thường mua thịt từ một quầy hàng ở chợ Beo Crescent ‘bất cứ khi nào cần thiết’.
“Nếu một vài gian hàng ngừng bán gà, tôi sẽ đi những nơi khác để tìm. Gian hàng này gần nhà tôi, vì vậy tôi đến đây để mua hàng cho gần”, cô nói.
Một khách hàng khác đang xếp hàng tại cùng một quầy hàng ở chợ Beo Crescent là một giáo viên mầm non 42 tuổi, chia sẻ, “Tôi nghĩ với giá cả ngày càng tăng, chúng tôi chỉ cần ăn ít hơn”, cô nói và cho biết thêm rằng cô chỉ ghé thăm quầy hàng thịt khoảng một lần một tuần.
Tại chợ Tiong Bahru, một khách hàng 49 tuổi cho biết, lần cuối ông mua gà là vào 3 tháng trước. Gia đình ông thường không nấu nhiều, và họ cũng không ăn nhiều.
Nhưng mặc dù tình trạng thiếu gà sắp xảy ra có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của gia đình ông, nhưng thực tế sẽ có tác động rộng hơn đến nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm khác.
Ông nhấn mạnh: “Sẽ có một phản ứng dây chuyền xảy ra”.