Làng Nôm - ngôi làng gần 200 năm, huyện Văn Lâm, Hưng Yên còn nguyên vẹn nét xưa với đình, giếng cổ và cây đa cổ thụ, đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Thả lỏng người để cảm nhận nhịp sống chậm mộc mạc chốn thôn quê - nơi chỉ cách Hà Nội chừng 30km...
Ngôi làng bình yên.
Bước chân qua cổng làng được xây dựng cách đây hơn 200 năm với 4 trục vuông chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo, mọi ồn ã, bon chen của cuộc sống hiện đại dường như bỏ lại ngoài kia. Làng Nôm hiển hiện như những gì người ta vẫn hình dung về ngôi làng Bắc Bộ xưa cũ với đình, giếng nước và cây đa cổ thụ. Những con đường gạch đỏ và cổng nhà cổ hiếm hoi còn lại xen lẫn với dãy bờ tường xây dẫn vào các ngõ ngách của làng. Những ngôi nhà cổ ven hồ, nhà thờ tổ của tộc họ Nguyễn, Lê, Tạ... tạo nên một vượng khí muôn thuở của thời gian và nói lên nét văn hóa độc nhất vô nhị ở đất kinh kỳ phố Hiến. Điều đặc biệt gây thương nhớ với du khách phương xa là ngôi làng vẫn giữ gìn nếp sống thôn quê, mộc mạc và chân thành. Tất cả vẫn được duy trì gần như nguyên vẹn và ít bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa.
Làng Nôm hiện nay có hơn 600 nhân khẩu. Sử sách ghi rằng, làng có từ những năm đầu Công nguyên, nhưng phải đến cuối thế kỷ XV, dân cư mới tập trung đông đúc. Trước đây, người dân trong làng có nghề buôn đồng nát. Bà con ở đây đi mua đồng nát về bán lại cho các lò đúc đồng ở địa phương và các vùng lân cận. Nhờ chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong làm ăn buôn bán, nên làng Nôm nhờ đó mà ngày càng hưng thịnh, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển. Xưa kia, làng còn từng được vua nhà Nguyễn giao cho đúc tiền đưa về kinh thành, bởi dân ở đây có nghề đúc đồng tinh xảo vào loại sớm nhất nước ta.
Chùa Nôm- chốn linh thiêng của làng cổ thuộc thiền phái Lâm Tế. Không còn ai nhớ chính xác ngày tháng ra đời của ngôi chùa. Chỉ biết rằng, trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó. Chùa trước đây là ngôi đại tự có tiếng của Hưng Yên. Theo truyền thuyết thì xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ. Có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên “Linh thông cổ tự”. Theo các tài liệu bằng văn tự chữ Hán, chùa được xây từ đời Hậu Lê. Thế nhưng, dựa vào hơn 100 bức tượng đất nung do chùa sở hữu, nhiều nhà khoa học cho rằng, rất có thể, ngôi chùa này đã có tuổi đời cả ngàn năm. Sư trụ trì Thích Đồng Huệ kể rằng, trải qua mấy trận lụt bão lớn vào các năm 1945, 1971 và 1986, nước ngập đến nóc chùa, cả trăm pho tượng đất này đã bị ngâm trong nước mà vẫn giữ được nguyên vẹn. Mỗi bức tượng đều được chạm khắc với biểu cảm riêng biệt.
Cùng với chùa thiêng, làng Nôm còn có di tích nổi tiếng khác là đình Tam Giang- một vị tướng của Hai Bà Trưng. Truyền thuyết kể rằng, sau khi mất, vị tướng này có tâm nguyện được lập miếu thờ ở làng Nôm- nơi ông từng đóng quân và ngôi đình này cũng ra đời từ thuở ấy. Đình có kiến trúc cổ với cây đa, giếng nước, sân đình rất đặc trưng của quê hương Bắc bộ. Ngay cả những cây đa xanh tốt bên đình cũng hơn 100 năm tuổi. Từ đó đến nay, chưa có bất cứ chỉnh sửa nào. Đình và chùa của làng Nôm được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1994.
Điểm dừng chân không thể không kể đến chợ Nôm- ngôi chợ cổ tường gạch đỏ nhuốm màu thời gian. Chợ Nôm vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Hình ảnh vợ chồng người thợ rèn dưới gốc cây đa, bà cụ đang nhai trầu móm mém bên hàng bán rá rổ tre đan thủ công, những mẹt hàng xén đủ sắc màu, hàng bánh đúc đơn sơ...khiến du khách như được sống trong hoài niệm. Chợ Nôm xưa kia là một trong những trung tâm buôn bán sầm uất nhất vùng Văn Lâm, do vậy người dân trong làng đa phần có cuộc sống khá giả, nhà cửa vì thế cũng được xây dựng khang trang và kiểu cách hơn so với nhiều ngôi làng cổ Bắc Bộ khác.
Cầu Nôm là cây cầu đá bắc ngang dòng sông Nguyệt Đức cũng là điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt của làng. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, chiếc cầu đá cổ gần 200 năm tuổi của làng Nôm đã được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng.
Vào thế kỷ XVI, cây cầu này được làm bằng gỗ lim. Để đảm bảo chắc chắn và thuận tiện cho người dân đi lại, thời Tự Đức (1848- 1883) cầu được thay hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, gắn khít nhau. Những phiến đá lớn được các nghệ nhân đục đẽo rất công phu. Cầu xây 9 nhịp, theo quan niệm của người xưa số 9 tượng trưng cho sự may mắn trọn vẹn… Dầm cầu hình chữ nhật. Mặc dù thời gian đã làm cầu bị rêu mốc và cây leo bám, nhưng những nét văn hoa cổ tinh tế của cầu vẫn rất dễ quan sát. Hai bên thành cầu còn hầu như nguyên vẹn các mỏm đá dầm cầu được chạm trổ vân mây, một họa tiết thường sử dụng trang trí trong kiến trúc cổ, được tạo tác công phu, nghệ thuật rất xảo diệu và cầu kỳ, trông như những đầu rồng. Chân cầu là những cột đá hình trụ, không đều nhau được đẽo thô để gác dầm cầu, đã bị xói mòn bởi thời gian. Điểm đặc biệt của cây cầu còn là tính bền vững về kết cấu. Mặc dù mặt cầu, mố cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết, nhưng trải qua thời gian gần 200 năm mặt cầu vẫn phẳng, chắc chắn và vững chãi. Điều đó cho thấy trình độ thiết kế, gia công vật liệu và thi công cầu của những người thợ ngày xưa rất đáng nể phục.
Ở làng Nôm, động đâu cũng là di tích cổ kính và những hiện vật có niên đại ít nhất là 200 năm. Tất cả đều được gìn giữ như báu vật của làng. Người dân làng Nôm mong muốn du khách đến đây để trải nghiệm nếp sống xưa chứ đừng lấy đi sự tĩnh lặng và bản sắc của làng.