Sau cơn sóng gió liên quan đến cơ sở thờ tự Phật giáo, PV báo Đại Đoàn Kết đã có buổi trò chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về một số vấn đề.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết.
PV: Thưa Thượng tọa, có nhiều ý kiến nói rằng thời gian gần đây có nhiều chùa do doanh nghiệp góp tiền xây dựng nên, rất to và hoành tráng, Thượng tọa có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Thượng tọa Thích Thanh Quyết: Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất trân trọng việc mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp, có đóng góp xây dựng các ngôi chùa. Từ năm 2002, chính tôi là người trực tiếp đi tìm đất để xây dựng chùa Bái Đính, Ninh Bình. Và tôi là người đã bạch với cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ (nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, nguyên là trụ trì chùa Bái Đính) rằng đây là cơ duyên tốt, vì mình là nhà Phật, khó khăn về kinh phí, muốn xây to cũng không xây được.
Vua Lý Công Uẩn khi rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, việc đầu tiên ông có cho xây cung điện nguy nga đâu mà là cho xây 8 ngôi chùa to đẹp. Nhưng lúc đó là to vì dân số mình ít, xây như vậy là nhiều rồi. Thời đó, vua còn yêu cầu cho xây như vậy. Việc xây dựng bây giờ đã có các chức sắc ở các tôn giáo tự lo. Doanh nghiệp họ cũng là Phật tử, mà là Phật tử thì cũng có trách nhiệm giúp các chức sắc tôn giáo xây chùa.
Vì các chức sắc có đi làm kinh tế đâu để mà có tiền xây, nếu xây được cũng là do huy động từ các Phật tử thôi. Vậy hà cớ gì mà Phật tử có điều kiện, đứng ra xây dựng mà Giáo hội lại không tiếp nhận, không trân trọng. Mà việc càng xây to thì càng trân trọng vì dân số của mình khác trước rồi. Nếu xây bé, người ta đến thăm, mà lại chen chúc thì khổ quá, lúc đấy sẽ xảy ra không biết bao nhiêu thứ khác. Mà xây xong không phải doanh nghiệp vào đó để thu nọ thu kia. Nhưng để thuận tiện cho việc điều hành, Giáo hội mới nhờ doanh nghiệp hỗ trợ về việc bảo vệ, vệ sinh môi trường...
- Sắp tới đây, Đại lễ Vesak 2019 sẽ được tổ chức tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), với tư cách là nước chủ nhà. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những chuẩn bị như thế nào?
- Phật giáo Hà Nam rất vui mừng khi được Giáo hội, Nhà nước tin tưởng lựa chọn là nơi để tổ chức Vesak 2019. Từ trước Tết, tại các cuộc họp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã bàn rất kĩ để chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak. Cách đây vài ngày, Ban Trị sự cũng tổ chức một cuộc họp chuyên đề bàn về công tác tổ chức Vesak. Với tư cách là chủ nhà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành để phân công, giao trách nhiệm cho từng tiểu ban, từng cá nhân cụ thể. Toàn bộ Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ai cũng đồng tâm để tổ chức thật tốt Đại lễ lần này. Bên cạnh đó vì là lần thứ 3 đăng cai nên về khâu tổ chức chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm.
Theo kế hoạch trong thời gian tới, toàn bộ Phật giáo tỉnh Hà Nam sẽ động viên Phật tử toàn tỉnh sẵn sàng hào hứng, phấn khởi chào đón sự kiện. Khắp các tỉnh sẽ có những hoạt động để cho các tăng ni, Phật tử hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Phật Đản.
Trong đó, từ khâu trang trí khánh tiết đến nội dung giảng dạy chúng tôi đang tiến hành xây dựng thật chi tiết và cẩn thận nội dung, phương án triển khai. Ngay cả hoạt động rước xe hoa, năm nay với tinh thần tổ chức rộng rãi và kéo dài, số lượng xe hoa sẽ nhiều hơn.
Đến giờ phút này các tăng ni, Phật tử rất hào hứng và muốn đóng góp những xe hoa đẹp nhất, long trọng nhất cho Đại lễ. Các chùa và dọc các tuyến đường cũng treo băng rôn chào mừng. Trước Đại lễ 1 tháng, chúng tôi cũng sẽ động viện tăng ni, Phật tử tham gia từ thiện, giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với MTTQ tỉnh chúng tôi sẽ làm các nhà tình nghĩa, dành cho người có công, người nghèo để họ có ngôi nhà khang trang hơn trước. Đối với các tỉnh khác, chúng tôi cũng sẽ nhờ các cơ quan giúp đỡ để có thể tiếp cận và giúp đỡ những người già neo đơn, người có công và những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Đứng trên góc độ là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa đánh giá sao về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam?
- Theo tôi, trên thực tế mà nói thì những năm qua sự tự do tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước rất trân trọng và được nhân dân thể hiện niềm tin tín ngưỡng tôn giáo cao độ. Tôi không lấy một đất nước nào để so sánh cụ thể nhưng tôi đã từng sống, học tập và đi nhiều nơi, tôi thấy điều này là rất rõ. Để có một đất nước được tự do tôn giáo như ở Việt Nam là cực kì hiếm có. Một đất nước mà được Nhà nước tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng thì khó có quốc gia nào có được như Việt Nam.
Tôi là chức sắc của Phật giáo, nhưng tôi cũng rất thân với các chức sắc của các tôn giáo khác. Chúng tôi coi nhau như anh em và sống rất hài hòa. Chúng tôi rất mừng khi được sống và hành đạo trên đất nước Việt Nam. Đương nhiên là không thể vì một vài chức sắc của bất cứ tôn giáo nào có hành xử chưa đúng mà làm ảnh hưởng đến tổng thể của sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Những điểm đẹp của Việt Nam gắn với tín ngưỡng, tôn giáo như các ngôi chùa nổi tiếng hay các nhà thờ như Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Cửa Bắc, Nhà thờ Đức Bà… Thế nên, tôi khẳng định rằng chúng tôi tự hào được sống ở một đất nước được nhà nước tôn trọng về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) - địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak 2019.
- Vừa rồi, Phật giáo có nhiều việc xảy ra được cho là làm không đúng với giáo lý nhà Phật, gây ảnh hưởng đến thanh danh Giáo hội, Thượng tọa có thể nói gì thêm để mọi người hiểu ranh giới giữa tín ngưỡng và tôn giáo?
- Đã là tôn giáo thì phải có tín ngưỡng mới trở thành tôn giáo. Còn nếu không có tín ngưỡng thì tôn giáo chỉ là một hệ tư tưởng triết học thôi. Phật giáo hay Thiên chúa giáo trở thành một tôn giáo là vì có tín ngưỡng. Tôn giáo là niềm tin của người dân, của tín đồ, hướng ngưỡng vọng về một vị giáo chủ, và những lời dạy của vị giáo chủ đấy. Còn tín ngưỡng, tôi không nói rộng, chỉ cần nói trong dân tộc Việt Nam thôi cũng có ít nhất 2 hình thái tín ngưỡng là hình thái tín ngưỡng dân gian và hình thái tín ngưỡng dân tộc. Tín ngưỡng dân tộc là chúng ta thờ các anh hùng dân tộc, có công với đất nước Việt Nam như Vua Hùng hay Trần Hưng Đạo...
Còn tín ngưỡng dân gian là ước vọng, tâm nguyện, mong muốn của người dân địa phương muốn cầu một cuộc sống ấm no hạnh phúc, nước giàu dân mạnh, xã hội yên bình. Tín ngưỡng dân gian của nước mình có từ trước khi các tôn giáo vào Việt Nam từ nhiều nghìn năm trước.
Con người ta, khi làm đồng ruộng từ cách đây mấy ngàn năm trước thấy rằng có những lúc đi làm về thì trời mưa, núp ở dưới bóng cây cổ thụ thì bị sét đánh, nên nghĩ rằng cái cây này có thần rồi lập miếu để thờ. Hay là có khó khăn gì trong sản xuất cấy cày, mưa chưa thuận, gió chưa hòa thì lại cầu cho mưa thuận gió hòa.
Cho nên khi Phật giáo vào Việt Nam có sự hòa nhập luôn với tín ngưỡng dân gian và Đạo Phật thờ luôn cả mây, mưa, sấm, chớp. Đó cũng là 4 yếu tố quan trọng nhất tạo nên nền sản xuất nông nghiệp lúa nước tại Việt Nam trong thời kì đó, giúp cho đời sống nhân dân no ấm hơn. Như vậy đối với đạo Phật thì có sự hòa đồng với tín ngưỡng dân gian, vẫn hay nói Tam Giáo đồng nguyên là vậy.
Xin cảm ơn Thượng tọa về những chia sẻ!