Có vấn đề đòi hỏi sử dụng biện pháp cao, nghiêm túc thì chúng ta lại sử dụng chưa đúng tầm mức đó. Ví dụ xung quanh việc tắt tiếng của bài Quốc ca là sai lầm, một vi phạm phải xử lý. Xử lý phải tới gốc của vấn đề.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, diễn ra ngày 23/12.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng của Đảng, đất nước; tổ chức thành công rất tốt đẹp Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp; kiện toàn nhân sự lãnh đạo Đảng, nhà nước; năm đầu triển hai nghị quyết Đại hội XIII; lần đầu tiên trong năm thứ nhất của nhiệm kỳ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về triển khai Nghị quyết Đại hội, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các bài phát biểu quan trọng để chỉ đạo, định hướng trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên qua đó càng khẳng định ý chí đoàn kết, vươn lên vượt qua mọi khó khăn thử thách của dân tộc, trong đó có đóng góp của ngành Tuyên giáo đã hoàn thành khối lượng lớn công việc đạt nhiều kết quả quan trọng tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Bên cạnh những mặt đã làm được, theo ông Thưởng, công tác tuyên giáo vẫn còn một số hạn chế, trong đó có những hạn chế kéo dài. Tiến độ nghiên cứu học tập quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở một số nơi còn chậm, chất lượng chưa cao.
Kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện một số nghị quyết chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo chưa thường xuyên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh có nơi, có lúc chưa thực chất, chưa thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, chất lượng hiệu quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa cao, chưa làm sáng tỏ một số vấn đề thực tiễn đặt ra.
Việc xử lý tình trạng báo hóa tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp xa rời tôn chỉ mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc các hội chưa nghiêm túc. Quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình, các mô hình hay, cách làm hiệu quả còn ít.
Theo ông Thưởng: Việc tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên lĩnh vực khoa giáo chưa có nhiều chuyển biến, nhất là về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giáo dục, lao động việc làm. Tổ chức đấu tranh ngăn chặn xử lý thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch một số thời điểm còn chậm, phương pháp chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao.
“Có vấn đề đòi hỏi sử dụng biện pháp cao, nghiêm túc thì chúng ta lại sử dụng chưa đúng tầm mức đó. Ví dụ xung quanh việc tắt tiếng của bài Quốc ca là sai lầm, một vi phạm phải xử lý. Xử lý phải tới gốc của vấn đề. Khi sử dụng phương pháp chưa tương xứng thì rất khó cho những bước tiếp theo” - ông Thưởng nêu rõ.
Trước đó vào ngày 6/12, trận giao đấu đầu tiên giữa đội tuyển Việt Nam-Lào tại AFF Cup 2020 đã nhận sự quan tâm của hàng triệu người hâm mộ. Tuy nhiên ở phân đoạn hát Quốc ca của đội tuyển Việt Nam đã bị tắt tiếng và xuất hiện dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ Chào cờ. Sau lễ Chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".
Sự việc trên đã khiến dư luận bức xúc trong những ngày qua.