Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần ngày 14/9/2023, sau thời gian mang trọng bệnh. Trước khi mất, ông vẫn luôn minh mẫn. Mới đầu tháng 6 vừa qua, ông còn mời tôi tham gia buổi giao lưu - giới thiệu sách “Người thầy” tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội.
Người trò được đào luyện khác thường
Hôm đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đến sớm và phân công tôi cùng nhà văn Khuất Quang Thụy nói những điểm mấu chốt trong “Người thầy”.
“Người thầy” chính là ký ức cuộc đời sâu đậm của ông về nhà tình báo lỗi lạc Ba Quốc - Thiếu tướng Đặng Trần Đức, một con người rất đặc biệt, nhất là với người học trò - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Cuốn sách đã cho thấy khả năng thể hiện ngôn ngữ và tư tưởng của Nguyễn Chí Vịnh là rất sâu sắc.
“Người thầy”, vị tướng tình báo huyền thoại Ba Quốc cùng với các “huyền thoại”: Phạm Ngọc Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo… đã tạo nên những dấu mốc quan trọng của ngành tình báo Việt Nam. Cái hay nhất ở cuốn sách không phải là mô tả những chiến công, xác định vị thế từng dấu mốc lịch sử, mà là viết về con người với chiều sâu nội tâm, vẻ đẹp của trí thức, vẻ đẹp của kẻ sĩ, vẻ đẹp của con người kiên trung, luôn hy sinh cái riêng đến tận cùng, chung tay góp sức cho ngày toàn thắng mà không đòi hỏi bất cứ cái gì cho riêng mình, tận tới khi nhắm mắt.
“Người trò” Nguyễn Chí Vịnh đã rất may mắn khi được người thầy - nhà tình báo chiến lược xuất sắc đào luyện. Cái cách rèn người của ông Ba Quốc thật khác thường. Người trò học nghề cũng rất phi thường. Nhiều khi ngặt nghèo vì liên quan tới sống - chết. Vậy mà người thầy ấy, trái núi sừng sững ấy đã trao truyền trí tuệ và niềm tin, khát vọng và lẽ sống, nhất là tất thảy đều hướng về Tổ quốc, hướng đến nhân dân.
Tác giả đã cố gắng viết trung thực. Chỉ có người trong cuộc mới viết ra được những dòng văn ấy, tình cảm chân thật ấy. Ở chỗ này, với văn học, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có một đóng góp quan trọng ở thể loại hồi ức, cao hơn cả hồi ức cá nhân, đó chính là những trang viết xuất sắc về hình ảnh người chiến sĩ của chúng ta, hình tượng cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những vị tướng thời bình rất bản lĩnh và có tầm nhìn xa, sắc sảo, hiểu biết trong một thế giới luôn chuyển động phức tạp, khó lường, thách thức từ nhiều phía. Giao cho ông mảng đối ngoại quốc phòng chính là Đảng ta, Quân đội ta đã chọn đúng người giao đúng việc. Bản thân ông luôn ý thức sâu sắc điều này. Đối ngoại quốc phòng trong thế giới hiện đại hôm nay, trong khu vực và quốc tế luôn sôi động và chuyển động mạnh mẽ thực không dễ dàng gì. Việt Nam sau dấu mốc 1975 đến dấu mốc 1986 là giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhưng chúng ta đã vượt qua. Chúng ta biết kiên trì, kiên quyết đến cùng theo đường lối của mình để có được cuộc sống khang trang như hôm nay.
Giai đoạn ấy dần dần trôi vào quá khứ. Sau dấu mốc Đổi mới năm 1986, các cánh cửa mở ra, dám xông vào thách thức, dám đương đầu với vô vàn khó khăn của cơ chế thị trường.
Từ thập niên 90 của thế kỷ 20 cho đến những năm đầu thế kỷ 21 là khoảng thời gian đất nước ta, quân đội ta có những bước phát triển mới mạnh mẽ và vững chắc. Đây cũng là khoảng thời gian Nguyễn Chí Vịnh được giao các trọng trách: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng; Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc Phòng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI; XII.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhiều lần trả lời về những vấn đề lớn đại ý rằng: Chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt và đã giành những chiến thắng vĩ đại. Nhưng vĩ đại hơn nữa là cách chúng ta ứng xử sau chiến tranh. Điều ấy sẽ định vị hình ảnh một Việt Nam chiến thắng văn minh và yêu hòa bình.
Luôn tích cực, chủ động bảo vệ môi trường hòa bình
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hiểu rất rõ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, nhiều vấn đề lớn được đặt ra, nhiều trọng trách được đặt lên đôi vai người chiến sĩ.
Năm 2013, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 806 về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đây là định hướng cơ bản để mở rộng hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ khi có nghị quyết đến nay đã được 5 năm, lĩnh vực đối ngoại quốc phòng đã có những thành quả lớn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao.
Đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội” khởi đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) và liên tục được bổ sung trong các kỳ đại hội tiếp theo. Đến Đại hội XI (năm 2011), lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng, là “Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh”.
Điều đó khẳng định, Đảng ta đã đánh giá rất cao vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng, một bộ phận mà hiện nay là trụ cột nằm trong tổng thể đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân khi đất nước ta đang hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào khu vực và trên thế giới. Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng nhằm mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình và tạo điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững.
Qua các cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông nhiều lần khẳng định: Chúng ta luôn xác định và coi hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng là định hướng chiến lược, là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình. Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng phải nhằm tăng cường niềm tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, tôn trọng mọi lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bằng những hoạt động hiệu quả, đối ngoại quốc phòng đã có đóng góp quan trọng vào thế trận đối ngoại chung của đất nước, góp phần làm nổi bật hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, một Quân đội Việt Nam giản dị, anh hùng trong mắt bạn bè quốc tế. Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay đã và đang được biết đến là những người luôn tích cực, chủ động bảo vệ môi trường hòa bình trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Một quốc gia hùng mạnh hay không, phụ thuộc nhiều yếu tố: Vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, dân số… nhưng tất cả đều là tiềm năng. Muốn khai thác tiềm năng đó, phải giàu. Và muốn giàu, thì phải ổn định và hòa bình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người rất cá tính. Ông luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới. Những người làm trợ lý cho ông hẳn hiểu rất sâu sắc điều này. Bản thân ông, khi làm trợ lý cho ông Ba Quốc đã học rất kỹ, thuộc rất sâu để rèn luyện nên bản lĩnh của người cán bộ, cấp càng cao càng phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ từ những việc nhỏ nhất. Nguyễn Chí Vịnh viết trong “Người thầy”: “Tôi nhớ câu nói cuối cùng của ông Ba trong cuốn sách “Tình báo không phải là nghề của tôi”. Đối với ông, có hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là tình yêu và lý tưởng. Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Tình yêu của ông Ba là tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc”.
Gắn bó với “Nhà số 4”
Có lẽ không nhiều người biết được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh rất gắn bó với Tạp chí Văn nghệ Quân đội và mảng công tác văn học nghệ thuật trong quân đội. Các nhà văn quân đội chúng tôi luôn rất quý Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông cũng là người anh thân thiết của chúng tôi. Có việc gì cần hỏi, phỏng vấn ông về mảng văn học nghệ thuật, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đều sẵn sàng. Ông hẹn lịch làm việc và nhiều khi cho gọi chúng tôi tới nhà riêng để tiếp tục đàm đạo về văn chương nghệ thuật.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những vị tướng thời bình rất bản lĩnh và có tầm nhìn xa, sắc sảo, hiểu biết trong một thế giới luôn chuyển động phức tạp, khó lường, thách thức từ nhiều phía. Giao cho ông mảng đối ngoại quốc phòng chính là Đảng ta, Quân đội ta đã chọn đúng người giao đúng việc. Bản thân ông luôn ý thức sâu sắc điều này. Đối ngoại quốc phòng trong thế giới hiện đại hôm nay, trong khu vực và quốc tế luôn sôi động và chuyển động mạnh mẽ thực không dễ dàng gì.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với các nhà văn: “Ba đưa tôi đến với Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ khi còn nhỏ. Hồi đó, tôi hay được đi cùng ba đến một số đơn vị quân đội, và Văn nghệ Quân đội là nơi mà tôi thường được ba đưa theo đến nhiều nhất.
Nhà số 4 Lý Nam Đế là ngôi nhà cổ, kiến trúc Pháp lai kiến trúc Nhật rất đẹp, thậm chí là đẹp nhất so với các biệt thự ở Hà Nội còn giữ lại được cho đến tận bây giờ. Ba tôi đề nghị cấp cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi hỏi ông: Vì sao các chú ấy lại ở ngôi nhà đẹp thế? Ba tôi cười: Văn nghệ là phải đẹp. Văn nghệ quân đội lại càng phải đẹp!
Hồi ấy, ba tôi rất bận, nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, thường là chiều chủ nhật, ông đạp xe từ nhà 34 đến số 4 Lý Nam Đế. Ở đó, ông có nhiều bạn là văn nghệ sĩ - chiến sĩ. Trong đó, có người đồng hương thân thiết là bác Thanh Tịnh; hai người có thể kể chuyện quê hương hàng giờ đồng hồ. Bác Thanh Tịnh cũng thường qua nhà tôi, gọi bà nội tôi là mệ. Ba tôi đến thường không báo trước, nhưng khi ông có mặt, các bạn của ông trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội gọi nhau về, một lúc sau là tụ tập đông đủ. Nhiều cán bộ Tạp chí Văn nghệ Quân đội quê ở miền Nam, tập kết ra Bắc, sống xa gia đình, nên giữa ba tôi với những nhà văn - chiến sĩ có sự đồng cảm lớn là nỗi nhớ quê hương. Trong những câu chuyện, không lần nào họ không nhắc về quê hương miền Nam, về những kỷ niệm đầy gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào.
Chúng ta xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình bằng sức mạnh tự vệ, không xâm hại ai, và cũng không cho ai xâm hại ta. Sức mạnh đó là sự ổn định chính trị, phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội, có nền quốc phòng toàn dân vững chắc, và có một quân đội tinh gọn nhưng bất khả chiến bại. Làm được những điều đó khó lắm, nhưng ta đã làm được, và mỗi ngày sẽ làm tốt hơn, vững chắc hơn.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Qua những câu chuyện họ trao đổi với nhau lúc “trà dư tửu hậu”, dù chưa hiểu mấy về văn hóa, văn học nghệ thuật, nhưng ấn tượng của tôi về các nhà văn ở ngôi nhà số 4 thời đó là những người tài hoa, nổi tiếng, rất nghệ sĩ, nhưng cũng rất lính.
Họ nói rất hào hứng, rất nhiều về chiến trường, như những người lính vừa từ đó trở về, quân phục còn đượm mùi khói súng. Sau này tôi được biết, ngôi nhà số 4 lúc đó quy tụ các nhà văn, nhà thơ ưu tú nhất thời kỳ đó, những nhà văn - chiến sĩ ưu tú nhất. Nhiều cô, chú đã từ đây ra chiến trường, vừa viết vừa chiến đấu, có người đã hy sinh. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành ở chiến trường, trở về và trở thành nhà văn, nhà thơ xuất sắc của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, của quân đội và của đất nước.
Trong xây dựng các hình tượng văn học, chúng ta phải vừa khơi gợi vừa tin tưởng vào mỗi người chiến sĩ đã và đang làm tốt mọi nhiệm vụ để có được hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Người Việt Nam rất nhân văn. Người chiến sĩ càng giản dị sáng trong và rất kiên cường. Từ thực tiễn ấy, từ bầu trời và ô cửa ấy, các tác phẩm văn học nghệ thuật cần khai thác và biểu hiện thiết thực để góp phần tạo dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Dẫu còn phải phấn đấu nhiều, phấn đấu liên tục, nhưng tôi cũng tin tưởng nhất định, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sẽ mãi là niềm cảm hứng để đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội có những tác phẩm xứng với kỳ vọng của nhân dân”.
Đó là những câu chuyện rất đẹp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với các nhà văn quân đội chúng tôi trong các lần gặp gỡ ông.
Từ đầu năm 2023, tôi khá thường xuyên gặp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vì luôn có những câu hỏi với ông, tranh thủ những ý kiến sâu sắc của ông, và cả những tâm tư của tôi về lịch sử, về thời cuộc và về văn học nghệ thuật. Ông trao đổi say sưa, nhiệt tình đồng thời hết sức trân trọng các ý kiến độc lập của người khác. Trong ông vẫn còn rất nhiều ấp ủ, kế hoạch, khát vọng và niềm tin sâu sắc vào con đường lớn mà Đảng ta, Bác Hồ của chúng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Những lúc như thế, chúng tôi thấy ông thật bình dị mà cũng rất lớn lao.
Tôi gặp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cuộc cuối cùng trong Lễ khánh thành Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh tại tư gia của ông nơi Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội cuối tháng 7 vừa qua. Ông đã phải ngồi trên chiếc xe lăn. Chúng tôi vô cùng xúc động trước các kỷ vật, hình ảnh về vị Đại tướng gắn liền với các phong trào lừng lẫy như: “Sóng duyên hải”; “Gió đại phong”; “Cờ ba nhất”... với câu nói nổi tiếng trong thời kỳ đánh Mỹ như: “Nắm thắt lưng địch mà đánh...”.
Nhạc sĩ Hoàng Vân sau này đã viết tặng Đại tướng bài hát “Người chiến sĩ ấy” với những ca từ rất đẹp: “Người chiến sĩ ấy ai đã gặp anh/ Không thể nào quên, không thể nào quên/ Bao nhiêu năm trường trên đường cách mạng/ Anh vẫn đi đi mãi không ngừng/ Như cánh chim trời không biết mỏi/ Mỗi bước đi biết mấy gian nan/ Vào ra tù đã mấy lần anh nhỉ/ Đạn quân thù đã mấy lần rách áo anh/ Anh ở bà con thương, anh đi bà con nhớ/ Ơi những mùa xuân đẹp nhất/ Trên đường kháng chiến hoa nở sáng rừng/ Rừng bao nhiêu lá thương anh biết mấy/ Uống nước dòng sông lại nhớ đến nguồn…”
Lời bài hát còn ngân nga mà hôm nay, con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trở về bên người cha yêu kính của mình. Trong tư cách một người lính, tôi xin được đứng nghiêm chào ông - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh!