Thượng tướng Phùng Thế Tài với quân chủng Phòng không – Không quân: Vị Tư lệnh đầu tiên

Phùng Văn Khai 19/01/2016 10:23

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một trong những tướng lĩnh tài ba, trụ cột của quân đội nhân dân Việt Nam. Sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày cách mạng còn trứng nước, ông luôn có mặt trên tuyến đầu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đảm đương nhiều cương vị quan trọng ở các thời khắc lịch sử và có những đóng góp nhất định. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Từ người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, theo lời dạy của Bác, với ý chí, ng

Thượng tướng Phùng Thế Tài với quân chủng Phòng không – Không quân: Vị Tư lệnh đầu tiên

Thượng tướng Phùng Thế Tài.

Nhìn nhận toàn bộ cuộc đời ông, thấy rất rõ sự hội tụ đầy đủ các phẩm chất đáng quý nhất của lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng. Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng độc đáo, một nhà quân sự tài năng, một trong những học trò trưởng thành nổi trội về năng lực quân sự của Bác Hồ. Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tự hào có những vị tướng như ông. Ở bài viết này, chúng tôi xin đi sâu vào những đóng góp của ông trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không lịch sử.

Năm 1962, từ thực tiễn của mặt trận Phòng không, Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đã không quản ngày đêm, rà soát từng vấn đề, xây dựng các phương án để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc.

Nhận thức rõ Quân đội ta phải lớn mạnh về mọi mặt để đánh và thắng Mỹ, Bác Hồ chỉ thị thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân trên cơ sở hợp nhất Binh chủng Phòng không và Cục Không quân. Năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập, Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng.

Ngay sau khi thành lập, Bộ đội Phòng không - Không quân đã lập chiến công, là lực lượng nòng cốt trong chiến thắng trận đầu ngày 5 tháng 8 năm 1964, khi không quân Mỹ bất ngờ tập kích ồ ạt vào các căn cứ Hải quân Việt Nam và các mục tiêu kinh tế, quân sự quan trọng từ Hòn Gai (Quảng Ninh) đến Sông Gianh (Quảng Bình). Trong chiến công này, Bộ đội Phòng không - Không quân đã bắn rơi 8 máy bay địch, bắn hỏng 3 chiếc khác và bắt sống giặc lái đầu tiên ở miền Bắc. Chiến công gây chấn động Lầu Năm góc đồng thời mở ra cách đánh Mỹ trên biển, trên không.

Lần đầu tiên ta bắn rơi và bắt sống giặc lái Mỹ. Chiến thắng ngày 5 tháng 8 năm 1964 làm nức lòng quân và dân cả nước, chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của Bộ đội Phòng không Việt Nam.

Những ngày đầu trên cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vô cùng vất vả. Kiện toàn và nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội Phòng không - Không quân là một bài toán lớn không dễ giải. Bộ đội Không quân rất non trẻ. Khi ấy ta mới thành lập Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 (ngày 30 tháng 5 năm 1963 tại cao nguyên Vân Quý-Trung Quốc) mang mật danh Đoàn Sao Đỏ. Đội ngũ phi công được đào tạo ở Trung Quốc chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1964, Lễ thành lập Trung đoàn 921 mới được tổ chức tại Mông Tự-Vân Nam - Trung Quốc cùng lúc với việc tiếp nhận 33 chiếc máy bay chiếc đấu MiG-17, 3 chiếc máy bay huấn luyện MiG-15UTI. Nhận định rõ việc phải khẩn trương đưa máy bay cùng các phi công về nước, Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng Chính ủy Đặng Tính báo cáo cấp trên và quyết định đưa toàn bộ Trung đoàn 921 gồm 70 phi công và số máy bay được viện trợ về nước với sự bí mật tuyệt đối. Đây là một thắng lợi không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển lực lượng không quân Việt Nam bước tiếp theo.

Lực lượng không quân luôn được Tư lệnh Phùng Thế Tài đặc biệt quan tâm. Ngày 4 tháng 8 năm 1965 Trung đoàn Không quân Tiêm kích 923 với mật danh Đoàn Yên Thế được thành lập gồm hai đại đội với 17 phi công MiG-17.

Không quân Việt Nam được trang bị thêm một số máy bay MiG-17F.

Cuối năm 1965, Không quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ một số máy bay MiG-21. Một số phi công giỏi được đưa sang Liên Xô huấn luyện như Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Nhật Chiêu…

Sau khi gấp rút tổ chức huấn luyện và xây dựng các phương án tác chiến, không quân ta xuất kích và đánh thắng nhiều trận liên tiếp, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trong tháng 7 năm 1966, Trung đoàn Không quân 923 tổ chức nhiều trận đánh tốt, bắn rơi 7 máy bay Mỹ trong khi ta chỉ bị thiệt hại 1. Ta chủ trương đưa MiG-21 vào xuất kích với số phi công vừa được đào tạo ở Liên Xô về. Những khó khăn, vướng mắc cũng nảy sinh như vấn đề phát huy tính ưu việt của MiG-21, tiếp tục khẳng định thế mạnh của MiG-17 và các lực lượng phòng không khác.
Ngày 24 tháng 3 năm 1967, Sư đoàn Không quân Thăng Long với phiên hiệu quân sự 371 được thành lập gồm các Trung đoàn 921, 923, 919 và đoàn bay Z. Đây là Sư đoàn Không quân đầu tiên của Quân đội ta. Vai trò và những nỗ lực của Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính trong bước đường xây dựng, trưởng thành của bộ đội Không quân là rất lớn.

Đối với lực lượng Phòng không, lực lượng cực kỳ quan trọng được Bác Hồ hết sức quan tâm, Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng cán bộ chiến sĩ Quân chủng ngày đêm trăn trở để nâng cao sức mạnh phòng không chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến chiến lược đã được Bác Hồ tiên đoán trước.

Những năm chiến tranh phá hoại ác liệt, Mỹ đã sớm đưa máy bay B-52 đánh phá các chiến trường trọng điểm của ta. Trong một lần báo cáo Bác Hồ khi còn là Tư lệnh Phòng không, Bác nhắc nhở Phùng Thế Tài: “Chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?” Người cận vệ của Bác Hồ vốn thông minh, can trường trải bao trận mạc bỗng trở nên lúng túng. Thấy thế, Bác ân cần nói: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn mười cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi… nhưng từ nay, là Tư lệnh bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này”.

Kể từ khi ấy, Tư lệnh Phùng Thế Tài luôn nhớ lời Bác dạy, ông chỉ thị cho các cơ quan tác chiến, quân báo và bằng nhiều nguồn tư liệu tìm mọi cách thu thập và làm rõ tính năng, tác dụng của pháo đài bay B-52. Một câu hỏi luôn vang lên trong đầu ông mọi lúc mọi nơi: “Liệu B-52 nó vào Hà Nội thì sẽ ra sao?”.

Không một thông tin nào về B-52 Phùng Thế Tài bỏ sót. Năm 1965, Mỹ sử dụng B-52 ném bom Bến Cát -Tây Bắc Sài Gòn, ông tìm mọi cách để có được báo cáo trung thực nhất. Năm 1966, B-52 đánh Quảng Bình, Vĩnh Linh, ông cho người vào tận nơi xem xét, nghiên cứu. Khi máy bay B-52 Mỹ mở rộng đánh Vĩnh Linh ngày càng dữ dội, Bác Hồ đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “B-52 đã đánh bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân”.

Tháng 5 năm 1966, Tư lệnh Phùng Thế Tài điều động Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh đánh B-52.

Từ trước đó, bộ đội Tên lửa luôn được Quân ủy Trung ương và Quân chủng Phòng không - Không quân đặc biệt quan tâm. Thời gian này, tên lửa và khí tài của ta do Liên Xô giúp, các kíp chiến đấu phần lớn do quân nhân Liên Xô trực tiếp thao tác. Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài xuống các trận địa tên lửa vùng Suối Hai - Trung Hà nằm bên hữu ngạn sông Đà trực tiếp động viên và chỉ thị các kíp chiến đấu bộ đội Việt Nam mau chóng học tập và trực tiếp cùng quân nhân, kỹ sư Liên Xô thao tác để sớm làm chủ vũ khí khí tài. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, phát hiện tốp máy bay 4 chiếc F4 của không quân Mỹ bay ở độ cao bảy nghìn mét theo trục sông Đà, Trung đoàn tên lửa 236 đã phóng hai quả bắn rơi 1 chiếc F4. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không.

Sau một thời gian nghiên cứu và trực tiếp đánh B-52 tại tuyến lửa Vĩnh Linh chưa đạt hiệu quả, toàn Trung đoàn lập tức rút kinh nghiệm, kiên quyết bắn cháy B-52. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 đã bắn rơi một B-52. Bài toán đánh B-52 được mở ra làm cơ sở viết nên cuốn cẩm nang đỏ Cách đánh máy bay B-52. Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng cán bộ chiến sĩ Phòng không - Không quân đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Muốn bắt được cọp phải vào tận hang của chúng”.

Năm 1967, Phùng Thế Tài được phong quân hàm Đại tá, giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là bước trưởng thành mới của Người cận vệ của Bác Hồ. Cùng với sự trưởng thành mọi mặt của Quân đội ta, những người chiến sĩ theo Đảng, theo Bác Hồ từ buổi đầu cách mạng đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đảm đương những cương vị quan trọng, đóng góp tài năng và trí tuệ của mình cho ngày toàn thắng.

Bác Hồ luôn rất quan tâm tới việc đánh thắng máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Nắm bắt được tâm tư của Bác cũng là chủ trương lớn của Đảng ta, Quân đội ta, ngày 6 tháng 7 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề đánh B-52 Mỹ, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài chủ trì hội nghị. Tại Hội nghị này, nhiều phương án được chuẩn bị, nhất là ý chí quyết đánh và quyết thắng đã được khẳng định ở một tầm cao nhất.

Thượng tướng Phùng Thế Tài với quân chủng Phòng không – Không quân: Vị Tư lệnh đầu tiên - 1

Đồng chí Phùng Thế Tài đi bên phải Bác.

Bác Hồ chỉ thị: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Đứng bên cạnh Bác, Phùng Thế Tài được nghe rõ ràng, trọn vẹn câu nói lịch sử của Người về B-52. Câu nói có ý nghĩa lịch sử đó của Bác đã đặt nền móng, đã chuẩn bị tư tưởng toàn diện để xây dựng quyết tâm đánh thắng B-52.

Đầu năm 1968, Bác Hồ gọi Phùng Thế Tài, lúc đó trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lên hỏi tình hình. Lúc này Bác không được khỏe. Ngay phút đầu tiên Người đã hỏi về B-52. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự chỉ đạo của Bác Hồ, với cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng đặc trách Phòng không - Không quân, Phùng Thế Tài bàn với lãnh đạo Quân chủng đưa thêm 4 Trung đoàn Tên lửa cùng một số máy bay M.21 vào khu 4 chi viện cho chiến dịch Trị Thiên đồng thời trực tiếp nghiên cứu cách đánh B.52. Từ những nghiên cứu thực tế tại chiến trường và bắn rơi máy bay B.52 đã hình thành cơ sở để Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng được: “Phương án đánh máy bay B.52”; “Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng” và tài liệu: “Cách đánh B.52 của bộ đội Tên lửa”.

Ngày 6 tháng 4 năm 1972, Mỹ huy động không quân, hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc; dùng B-52 đánh phá thành phố Vinh, thành phố Hải Phòng. Phùng Thế Tài được báo cáo và bản thân ông cũng có dự cảm chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh phá ác liệt, ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng trong năm 1972.

Bộ tổng Tham mưu mở hội nghị chuyên đề bàn cách đánh B.52 ngày 6 tháng 7 năm 1972, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài kết luận và chỉ thị phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B-52 bằng vũ khí hiện có của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đánh chúng, bắn rơi được B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao. Quân chủng Phòng không - Không quân phải chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí để chiến thắng B-52 khi chúng xâm phạm bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác.

Chiều ngày 18 tháng 12 năm 1972, tin từ Cục 2 báo cáo Bộ tổng Tham mưu Mỹ sẽ tập kích B-52 vào Hà Nội vào 18 giờ tối. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài điện từ hầm chỉ huy tác chiến của Bộ tổng Tham mưu hỏi lại: “B-52 đến đâu rồi? Phải nắm cho thật chắc. Nó bay theo hướng nào phải báo cáo ngay”. Đồng chí Mạc Lâm, trực ban Cục 2 trả lời: “Vâng thưa anh, chúng tôi vẫn đang bám sát”. Phùng Thế Tài nói vui: “Tối nay, bộ đội ta bắn rơi B-52 thì Bộ sẽ thưởng Cục 2 một tấn lương khô và một con bò mộng”. Đồng chí Anh Lân, cán bộ Cục 2 vui mừng nói với anh em lời hứa của thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu. Mới thấy rằng, cả khi căng thẳng và quyết liệt nhất trong trận đấu trí đấu sức với giặc Mỹ, cán bộ chiến sĩ ta vẫn hết sức lạc quan.

Trinh sát Cục 2 bám sát B-52 từng phút và báo cáo với Bộ tổng Tham mưu: “Có tín hiệu đặc biệt, B-52 gần đến đất liền”. Cục tác chiến thông báo: “Đã xuất hiện trên màn ra đa B-52”. Từng hồi còi báo động vang lên liên tục trong thành phố Hà Nội. Tại hầm chỉ huy tác chiến Bộ tổng Tham mưu, các thông báo được truyền đi liên tục xuống các đơn vị Phòng không - Không quân. Bộ đội ta đã sẵn sàng cho trận đánh lớn. 19 giờ 15 phút, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng có mặt tại Sở chỉ huy “Tổng hành dinh” cùng cán bộ chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ.

Cả thành phố Hà Nội vào trận. Các trận địa phòng không đều bắt được mục tiêuB-52. Tiếng bom ầm ầm dội đất bốn phía. Tiếng đạn pháo phòng không động trời, tiếng lao vun vút của tên lửa ta xé màn đêm đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp cầm máy ra mệnh lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị đang đánh B-52. Không quân ta cất cánh. Mọi căm hờn đều trút lên đầu ngọn súng. Trên đài quan sát đặt trên đỉnh cột cờ báo về; Trực ban Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo gấp gáp: Một B-52 bắn rơi ở Đông Anh, lúc đó là 20 giờ 30 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972.

Trận đánh B-52 đêm ngày 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972 kết thúc. Địch sử dụng 400 lần chiếc máy bay chiến thuật và 90 lần B-52 đánh hơn 100 điểm khu dân cư, chúng ném xuống khoảng trên 6.000 quả bom làm chết 300 người. Ta bắn rơi 3 máy bay B-52, 5 máy bay phản lực, bắt sống 7 phi công Mỹ.

Rạng sáng ngày 19, Phùng Thế Tài lên máy bay trực thăng cùng đoàn kiểm tra đến thẳng cánh đồng Chuông thuộc xã Phù Lỗ huyện Đông Anh bên xác chiếc máy bay B-52 nằm chềnh ềnh. Xác siêu pháo đài bay B-52 - thứ vũ khí Mỹ vẫn khoe khoang là siêu đẳng nằm tả tơi nhàu nát trên một đám ruộng. Ông cùng đoàn công tác cho cưa một đoạn xác B-52 rồi lập tức trở về Tổng hành dinh tiếp tục cho trận đánh lớn.

Bộ Chính trị họp biểu dương các lực lượng đã chiến đấu dũng cảm đồng thời chỉ thị các đơn vị nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu để bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa. Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị: Bộ đội tên lửa đêm chiến đấu, ngày nguỵ trang sơ tán. Bộ đội ra đa phải thường xuyên theo dõi địch, quản lý vững chắc vùng trời cả ngày và đêm. Bộ đội pháo phòng không thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cao và đánh thắng địch.

Đêm 20 rạng ngày 21 - 12 bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn bắn rơi 7 chiếc B- 52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gọi điện thoại xuống các sư đoàn biểu dương bộ đội Phòng không Hà Nội đánh tốt, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân. Đại tướng nói: “Cả nước đang hướng về. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.

Bộ đội Phòng không - Không quân trong 12 ngày đêm đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khiến nước Mỹ hoảng loạn. 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B- 52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân.

Đúng như Bác Hồ đã tiên đoán, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 và đã thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội. Trong chiến thắng lịch sử, Người cận vệ của Bác Hồ đã góp một phần công sức. Phùng Thế Tài luôn tự nhủ: Giá như có Bác Hồ. Giá như Bác còn sống để mừng vui chiến thắng.

Từ một cậu thiếu niên khi nước nhà chưa giành được độc lập phải lưu lạc mưu sinh nơi đất khách quê người đến với cách mạng, được là cận vệ đầu tiên của Bác Hồ rồi chuyển sang đảm đương các chỉ huy quân sự. Phùng Thế Tài trưởng thành theo sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông từng là Tiểu đội trưởng, Trung đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng rồi đến Tư lệnh đầu tiên của một Quân chủng hiện đại còn hết sức non trẻ của Quân đội ta khi đó - Quân chủng Phòng không Không quân. Ông đã cùng các chỉ huy của Quân chủng, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ông vẫn được gọi là “Vị tướng của tháng 12 lịch sử”. Cánh lính trẻ rất thích thú trước tướng Phùng Thế Tài bởi bản tính xuề xòa, giản dị của ông. Có thể nói ít tướng lĩnh nào của Việt Nam lại gắn bó mật thiết với Bác Hồ như Thượng tướng Phùng Thế Tài. Ông gắn bó với Bác từ những ngày còn bên Trung Quốc đến khi về Pác Pó trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, đựợc Bác dạy bảo mọi điều trong cuộc sống và công tác. Khi Bác mất, ông lại là một trong những người chỉ đạo công việc bảo quản thi hài Bác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thượng tướng Phùng Thế Tài với quân chủng Phòng không – Không quân: Vị Tư lệnh đầu tiên