Theo Thượng tướng Lê Chiêm, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Song Hào đã có nhiều cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo công tác tham mưu chiến lược, đề ra các chủ trương, biện pháp đúng đắn, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu khai mạc Hội thảo.
Sáng ngày 10/8, tại Nam Định, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Nam Định phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Thượng tướng Song Hào-Người cộng sản kiên trung, mẫu mực; nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Song Hào (20/8/1917 - 20/8/2017)...
Các tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ thân thế, sự nghiệp; khẳng định, làm sáng tỏ thêm cuộc đời hoạt động cách mạng dài gần 70 năm cùng với những cống hiến xuất sắc của Thượng tướng Song Hào đối với cách mạng Việt Nam; đối với quá trình xây dựng, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam...
Thượng tướng Song Hào, tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20/8/1917 tại xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định). Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, ông đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam...
Quang cảnh hội thảo.
Từ năm 1936, khi mới 19 tuổi ông đã tham gia phong trào Mặt trận bình dân ở quê hương; năm 1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940 ông bị thực dân Pháp bắt, kết án, lần lượt bị giam cầm ở các nhà tù Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu (Thái Nguyên).
Trong tù, không lung lay ý chí, ông vẫn cùng các đồng chí của mình vừa học tập, trau đồi lý luận cách mạng vừa đấu tranh với việc đàn áp tù nhân, được tổ chức cử làm Bí thư chi bộ nhà tù Chợ Chu...
Năm 1944, ông vượt ngục thành công, về hoạt động tại vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên. Trên cương vị Bí thư phân khu ủy phân khu Nguyễn Huệ, ông đã cùng với các đồng chí của mình có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khu căn cứ Hồng Thái, Tân Trào thành “trái tim” của Khu giải phóng Việt Bắc.
Tháng 8/1945, ông là người trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng cách mạng và nhân dân hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang khởi nghĩa, giành được chính quyền. Sau cách mạng Tháng Tám, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ Chính trị Ủy viên Liên khu 10, Chính ủy Mặt trận Tây Bắc, Chính ủy Đại đoàn 308...
Thượng tướng Song Hào đã có nhiều đóng góp trong chỉ đạo phát triển tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền, các đoàn thể cách mạng tại đây; đấu tranh chống lại bọn phản động, tiễu phỉ, xây dựng địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên thành căn cứ địa, “Thủ đô kháng chiến”; đẩy mạnh kháng chiến ở vùng Tây Bắc.
Đặc biệt, trên cương vị Chính ủy Đại đoàn 308, Bí thư Đại đoàn ủy, với tài năng, đức độ, uy tín, đồng chí Song Hào đã có nhiều cống hiến trong xây dựng Đại đoàn 308 trở thành “quả đấm thép” của quân đội, góp phần làm nên thắng lợi của các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ năm 1955-1977, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách, từ Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ quốc phòng.
Với vai trò là người chủ trì cơ quan tham mưu, chỉ đạo chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị của toàn quân, ông tiếp tục có nhiều đóng góp nổi bật vào quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh tuyệt đối về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Từ năm 1977, Thượng tướng Song Hào đảm nhiệm trọng trách Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, phụ trách toàn diện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trên cả nước.
Từ năm 1982-1987, ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội. Khi Hội Cựu chiến binh Việt Nam bắt đầu thành lập, đi vào hoạt động, đồng chí được tổ chức tín nhiệm phân công làm Chủ tịch Hội lâm thời (từ năm 1990-1992). Ông từ trần ngày 9/1/2004.
Tại Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhìn nhận: “Đồng chí Song Hào là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở bất kỳ cương vị nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào dồng chí cũng đều một lòng một dạ trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Quân đội, tận tâm, tận lực, nỗ lực phấn đấu, hi sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo công tác tham mưu chiến lược, đề ra các chủ trương, biện pháp đúng đắn, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng: “Quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến to lớn của đồng chí Song Hào là tài sản tinh thần quý báu của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam. Tài sản đó cần được tìm hiểu, học tập, noi gương nhằm góp phần trao truyền chí khí, kinh nghiệm và bầu nhiệt huyết cách mạng, góp phần bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tự hào về các thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.