“Tay nâng chén muối, đĩa gừng/ Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau”. Đây là câu ca dao Việt Nam hay nhất, dễ nhớ nhất, dễ ru em nhất mà tất cả mọi người đứng tuổi đều thuộc, đều thú vị lúc ngâm nga, đều tâm đắc lúc gặp gỡ nhau.
Nội dung câu ca dao thì quá hay: nhắc nhở lòng thủy chung, trước sau như một, giữ trọn lời hứa, giữ vẹn lời thề với nhau.
Theo Từ điển tiếng Việt: “Thủy chung (còn gọi là chung thủy) là trước sau vẫn một lòng, vẫn có tình cảm gắn bó không thay đổi. Thí dụ: Tình nghĩa thủy chung. Ăn ở có thủy có chung. “Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung” (Nguyễn Du).
Muốn có được lòng thủy chung phải tập, phải rèn luyện “lòng biết ơn, lòng trung thành hàng ngày, hàng giờ” từ lúc còn ấu thơ.
Từ lúc còn nhỏ, khi bưng bát cơm ăn, trẻ nhỏ được dạy: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Em bé biết được nỗi đắng cay, khó nhọc của người nông dân lúc hạn hán, lúc lũ lụt, khi sâu bệnh, vất vả mới có được hạt gạo, thì khi ăn cơm phải thấm thía mà nhớ đến công ơn người làm ra hạt thóc.
Tại khoa Y trường Đại học lâu đời và cổ nhất thế giới – Trung tâm Đại học Oxford, Vương quốc Anh có lời thề Y khoa sau đây được đọc trước bữa ăn của sinh viên: “Tôi biết ơn người nông dân đã nuôi sống tôi, vì thế nếu có cơ hội, tôi sẽ đền đáp cho họ”.
Như thế, lòng biết ơn là cơ sở quan trọng của đạo lý Thủy chung như một, đạo lý “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
Khi làm lễ cho đôi vợ chồng trẻ trong ngày cưới, trước mặt Chúa và đông đảo người tham dự, họ phải thề: “Luôn trung thành giúp đỡ gắn bó bên nhau kể cả khi gặp hoạn nạn, lúc yếu đau cho đến trọn đời”. Đạo lý ở đời là: Khi ta đã kết bạn với ai trong công việc cũng như trong xây dựng hạnh phúc trăm năm (kết hôn, lập gia đình) ta đều phải tự coi mình là người phục vụ, người làm việc tận tụy. Đúng như đại văn hào Victor Hugo đã viết: “Trong mọi cơ hội, dù tư hay công, tôi sẵn sàng phụng sự như một người giúp việc trung thành”. Các sách luân lý đều cắt nghĩa lời dạy của Victor Hugo như sau:
- Việc công: Phục vụ quê hương, đất nước, tập thể, cộng đồng.
- Việc tư: Phục vụ gia đình riêng, họ hàng, gia tộc dòng họ, bạn bè, bằng hữu.
Tức là tất cả các khía cạnh, các công việc mà suốt đời con người phải chung sống, phải theo đuổi với tất cả nỗi vui, buồn, lúc thảnh thơi, khi khó nhọc. Lúc nào cũng phải như lúc nào. Lúc bắt đầu (Thủy) cũng như khi kết thúc (Chung), đã nói một là một, hai là hai!
Những điều nên tránh xa trong cuộc sống hàng ngày:
- Xu nịnh những người giầu có, có chức có quyền vì mong có lợi cho mình.
- Xa lánh, hắt hủi, bỏ rơi những người yếu thế, kể cả cha khi già, mẹ khi yếu, người thân bị tật nguyền.
Đã có những câu mô tả bọn người thay lòng đổi dạ:
“Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (tạm dịch: Người nghèo khổ ngồi ngay giữa chợ chả ai để ý đến. Kẻ giầu có dù ở trong núi, trong rừng cũng có kẻ tìm đến).
Hoặc: “Tay mang túi bạc kè kè/ Nói quấy nói quá người nghe rầm rầm”.
Hoặc: “Ở đời lắm người phù thịnh, ít người phù suy”.
Hoặc: “Chỉ khi gặp khó khăn mới biết được ai là bạn thật sự”.
Hoặc: “Thức lâu mới biết đêm dài/ Ở lâu mới biết là người có tâm”.
Vậy có cái “kỹ năng” nào hay cái “chuẩn” nào đó để tìm, để chọn, để hy vọng có được người bạn đường hoặc người bạn đời thủy chung, trung thành không? Có đấy, rất nhiều cách đoán biết, rất nhiều cách nhận diện.
Khi chơi với người nào mà thấy người đó luôn đặt vấn đề: “Thế phần tôi được bao nhiêu, tôi được cái gì trong việc làm này...” thì phải tránh xa ngay. Vì sao? Vì triết gia Adolphe Blanqui (năm 1798 – 1854) đã khẳng định: “Một cách chắc chắn nhất để nâng cao phẩm hạnh của con người là biết đặt phẩm hạnh lên trên nhu cầu vật chất”.
Sau khi chia tay với người ham muốn vật chất, luôn đề cao đồng tiền để tìm đến với những người bạn nghèo, người lao động chân chính, luôn hướng tâm làm Từ thiện là ta đã tìm đến người bạn thủy chung, trước sau như một rồi đấy.
Tác giả John Milton (năm 1608 – 1674) cũng hướng dẫn cách nhận diện người tốt mà học hỏi, mà kết bạn khi ông viết: “Nhìn vào những việc làm hàng ngày bằng tay chân hay trí óc của một con người cũng đủ nói lên phẩm hạnh của người đó”. Quả đúng như vậy, một bác nông dân già suốt đời gắn bó với đồng ruộng được gọi là “Lão nông tri điền”, tức là người thủy chung với bà con làng xóm, với ruộng đồng, là người ta cần học hỏi. Một thầy giáo già, về hưu rồi vẫn dạy học miễn phí cho các em học sinh nhà nghèo không có điều kiện đến trường, đó là ông thầy giáo xứng đáng là tấm gương “gừng cay, muối mặn” mà tất cả chúng ta đều phải noi theo, học tập theo.
Bằng một cách nhìn khác, tác giả Edward Young (năm 1683 – 1765) lại nhắc nhở: “Nơi nào sự khoe khoang chấm dứt, ở đó phẩm hạnh mới được bắt đầu”. Đúng quá còn gì nữa, nơi nào “thùng rỗng kêu to” thì lập tức phải tránh xa ngay, phải chia tay ngay. Nhưng cái khó trên thực tế là nhiều người vẫn thích nghe cái tiếng to dù từ cái thùng rỗng bởi vì nó khéo ngụy trang, khéo lừa đảo, đặc biệt trong thời kỳ được gọi là “khoa học 4.0”, hoặc “thông tin mạng”, hoặc “công dân toàn cầu” thì sự dối trá, thông tin giả (Fake News) lại càng lan tràn, không biên giới, vô bến, vô bờ, dẫn đến hậu quả khôn lường. Những thành phần nào đã, đang và sẽ là nạn nhân của Fake News? Đài báo đã đưa tin cụ thể, đó là các thanh thiếu niên lười nhác, chậm tiến, người dân nghèo thiếu hiểu biết, thiếu thông tin hoặc những người có tính tham, muốn hưởng thụ vượt quá khả năng của mình. Những người này đã không đạt tới chuẩn mực của đạo đức thủy chung, trước sau như một, họ đã tự mình kéo xa cái “khoảng cách Thiện – Ác” để tạo nên “khoảng trống lỗi lầm” không sao cứu vãn được. Đi vào đến “mê hồn trận” của tin giả, của trí tuệ nhân tạo không chọn lọc là một hậu quả tất yếu đối với những người thiếu bản lĩnh ở thế kỷ XXI. Đó là ý kiến sắc sảo của các nhà khoa học Israël trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2019 “21 bài học cho thế kỷ thứ XXI”. Sách đã được dịch sang tiếng Việt, nhưng hoàn toàn không dễ đọc và không dễ hiểu.
Trở lại với “Gừng cay, muối mặn”, với tình nghĩa thủy chung trước sau như một, tạm sơ kết như sau:
- Muốn có gia đình, bạn bè, người cộng tác, người thân luôn trung thành với ta, thì ta phải trung thành với họ trước.
- Phải biết ơn họ, tìm cách trả ơn họ khi có thể. Có đi có lại một cách có đạo lý như thế sẽ duy trì được mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.
- Phải luôn kết bạn có chọn lọc theo từng lứa tuổi để không bao giờ phải cô đơn, trống vắng.
- Tránh xa người hay khoe khoang, tránh xa các tổ chức hay nhóm quảng cáo quá đà và các dạng tin giả. Cái khó là phải cập nhật liên tục, học hỏi liên tục mới phân biệt được tin giả và tin thật. Lúc nào cũng phải nhớ lời dặn: “Tiền tươi, thóc thật”. Theo các tác giả Israël thì tự mình không được trở thành nạn nhân của Tin giả, không được chính mình lại là kẻ làm hại người khác bởi cách làm ăn online và buôn bán đa cấp.
Nhiều vụ án về tài chính ngân hàng, về đất đai đang hủy diệt nhiều con người, nhiều bạn bè, nhiều tình nghĩa, nhiều “gừng cay, muối mặn”. Đó là thế kỷ XXI, đó là trí tuệ nhân tạo, đó là robot hóa nhưng ở mặt tối, mặt trái, mặt tiêu cực, mặt âm tính của vấn đề.
Để khép lại bài viết, cần nhắc đến lời dạy của thiên tài La Rochefoucauld (năm 1613 – 1680): “Ở đời không có cái thái quá nào đẹp đẽ hơn cái thái quá của lòng biết ơn”. Vì sao? Vì ai có lòng biết ơn, người đó sẽ có nhiều kỹ năng để sống trung thành, sống thủy chung.